EU cấm trao đổi "ảo" những khoản nợ khó trả

Nghị viện châu Âu (EP) và các nước EU đã thỏa thuận cấm trao đổi theo hình thức "ảo" đối với những khoản nợ khó có khả năng thanh toán.
Sau các cuộc đàm phán kéo dài, Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/10 đã thỏa thuận cấm trao đổi theo hình thức "ảo" đối với những khoản nợ khó có khả năng thanh toán (CDS).

Ủy viên châu Âu phụ trách các thị trường khu vực Michel Barnier cho biết thỏa thuận trên sẽ giúp tăng cường sự ổn định tài chính trong EU và là tín hiệu cho thấy EU muốn đạt các mục tiêu giải quyết khủng hoảng nợ công tại hội nghị thượng đỉnh khu vực dự kiến diễn ra vào ngày 23/10 tới.

CDS là một công cụ tài chính gây tranh cãi, cho phép nhà đầu tư mua lại những khoản nợ khó có khả năng thanh toán của công ty hay chính phủ. Trong các giao dịch CDS "ảo", nhà đầu tư không thực sự sở hữu khoản nợ này, mà chỉ cam kết sẽ mua lại với giá rẻ hơn khi chủ sở hữu không có khả năng thanh toán. Các nhà chỉ trích cho rằng CDS "ảo" dẫn đến nạn đầu cơ nợ chính phủ, như đã từng xảy ra với Hy Lạp từ tháng 5/2010, và làm gia tăng sức ép đối với những nước gặp khó khăn về tài chính.

Theo sáng kiến của Pháp và Đức, Ủy ban châu Âu (EC) tháng 9/2010 đã đưa ra quy định về cấm CDS "ảo" và EP cũng đã thông qua đề xuất này hồi tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, một số nước EU, trong đó có Italy, phản đối với lý do quy định này làm tăng giá trái phiếu và khiến họ khó vay mượn hơn.

Để đi đến thỏa thuận trên, EP và các nước EU có sự thỏa hiệp. Theo đó, các nước thành viên EU có thể không áp dụng quy định này trong một thời gian nhất định và theo một loạt tiêu chí cụ thể, với điều kiện phải được Cơ quan Thị trường và Chứng khoán châu Âu (ESMA) chấp thuận.

Thỏa thuận cũng hạn chế việc "bán non" các khoản nợ, theo hướng nhà đầu tư phải thông báo với các nhà điều phối thị trường về tình trạng cổ phiếu của công ty hay trái phiếu của chính phủ, trong khi ESMA có quyền tạm ngừng giao dịch loại này trong một số trường hợp ngoại lệ.

Quy định mới của EU sẽ được thực hiện từ tháng 11/2012, sau khi EP và các nước thành viên hoàn tất công việc mang tính thủ tục là chính thức thông qua quyết định này vào tháng 11/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục