Google không phải áp dụng quyền bị lãng quên trên toàn cầu. Đây là một trong những nội dung trong phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đưa ra hôm thứ Ba 24/9.
Tòa án hàng đầu châu Âu đã xem xét hai vấn đề riêng biệt liên quan đến công cụ tìm kiếm của Google, đó là liệu nó có phải xóa dữ liệu cá nhân nhạy cảm trên toàn thế giới hay chỉ ở châu Âu; cũng như liệu nó có phải tự động xóa kết quả tìm kiếm với thông tin nhạy cảm hay không.
Theo phán quyết của ECJ, việc xóa kết quả tìm kiếm trên Google của các công dân EU chỉ áp dụng ở 28 quốc gia thành viên khối.
["Quyền được lãng quên" - nguồn cơn cuộc chiến giữa Pháp và Google]
Tòa án kết luận rằng, hiện tại, không có nghĩa vụ nào theo luật của EU, buộc một nhà điều hành công cụ tìm kiếm phải xóa dữ liệu trên phạm vi toàn cầu.
Phán quyết trên diễn ra sau một quyết định trước đó về cái gọi là "quyền được lãng quên," một phán quyết được đưa ra năm năm trước, cho phép công dân châu Âu có quyền yêu cầu các công cụ tìm kiếm, như Google, xóa thông tin nhạy cảm về họ.
Năm 2016, cơ quan giám sát quyền riêng tư của Pháp, CNIL đã phạt Google 100.000 euro (109.889 USD) vì đã từ chối xóa thông tin nhạy cảm khỏi kết quả tìm kiếm trên Internet theo phán quyết "quyền được lãng quên."
Trong phiên điều trần tại tổ chức có trụ sở tại Luxembourg năm ngoái, các luật sư bào chữa cho Google lập luận rằng việc áp dụng "quyền được lãng quên" trên toàn thế giới có thể hạn chế người dân truy cập thông tin ở một số quốc gia.
Phán quyết hôm thứ Ba ghi nhận một thất bại cho Liên minh châu Âu về triển vọng mở rộng các tiêu chuẩn bảo mật của khối này trên toàn cầu./.