Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/2 đã bãi bỏ lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài khoản đối với 8 nhân vật chính trị và quân sự quyền lực nhất của Zimbabwe, song vẫn duy trì các chế tài này đối với Tổng thống Robert Mugabe và vợ của ông - cả hai hiện vẫn nằm trong danh sách "đen" của EU.
Đây là động thái nới lỏng chính sách một cách thận trọng của EU sau khi các cuộc bầu cử gây tranh cãi diễn ra năm ngoái tại quốc gia châu Phi này.
Kể từ năm 2002, EU áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Chính quyền của ông Mugabe với lý do Harare vi phạm nhân quyền và dân chủ.
Trong vài năm qua liên minh này đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt, tuy nhiên vẫn giữ lại một số "đòn bẩy" với mục đích khuyến khích cải cách chính trị ở Zimbabwe.
Cụ thể, tháng 9/2013, EU đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng công ty Phát triển khai khoáng Zimbabwe, nhà điều hành một trong những mỏ kim cương lớn nhất thế giới.
Công ty này bị EU liệt vào danh sách đen với cáo buộc hỗ trợ tài chính cho đảng Đảng Mặt trận yêu nước thống nhất Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU-PF) của Tổng thống Mugabe.
Trước đó, tháng 2 năm ngoái, EU đã ngừng các biện pháp trừng phạt đối với hơn 100 nhân vật và hàng chục công ty của Zimbabwe.
Đồng thời, EU dự định nối lại viện trợ phát triển trực tiếp cho Harare từ năm 2015, sau nhiều năm khối này xa lánh chính quyền ông Mugabe và chỉ hợp tác với các tổ chức nhân đạo.
Tuy nhiên, EU tiếp tục duy trì biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Mugabe. Việc này từng gây tranh cãi trong các nước thành viên EU sau khi ông Mugabe giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 5 trong cuộc bầu cử tổng thống tại Zimbabwe hồi tháng 7/2013 - một cuộc bầu cử được giới quan sát châu Phi nhận định là minh bạch song lại bị phe đối lập tố là gian lận.
Từ khi lên nắm quyền, ông Mugabe thường xuyên có mâu thuẫn với phương Tây liên quan tới các chính sách của ông.
Đặc biệt, trong bài phát biểu tháng 9 năm ngoái tại Liên hợp quốc, ông đã tố cáo Mỹ và Anh tìm cách kiểm soát Zimbabwe cũng như các nguồn tài nguyên của nước này./.