FAO cảnh báo hậu quả lạm dụng kháng sinh ở các nước Đông Nam Á

FAO cho biết Đông Nam Á là điểm nóng lạm dụng kháng sinh, đồng thời cảnh báo những nguy cơ nghiêm trọng cho người và động vật do vi khuẩn trở nên kháng thuốc hơn.
FAO cảnh báo hậu quả lạm dụng kháng sinh ở các nước Đông Nam Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: aspca)

Quan chức phụ trách thú y của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Juan Lubroth cho biết sử dụng quá nhiều và sử dụng sai kháng sinh trong lương thực rất phổ biến tại Đông Nam Á, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ nghiêm trọng cho người và động vật do vi khuẩn trở nên kháng thuốc hơn.

Ông Lubroth đưa ra cảnh báo trên bên lề một hội nghị quốc tế tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) tập trung vào vấn đề Kháng thuốc kháng sinh (AMR).

Ông cho biết AMR đã gia tăng tại những nơi như các thành phố lớn ở châu Á, nơi tăng trưởng dân số cao và sản xuất nông nghiệp và lương thực phát triển mạnh.

[Hiểm họa khi kháng sinh xâm nhập vào chuỗi thức ăn, môi trường]

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi xem Đông Nam Á là điểm nóng vì đây là nơi tăng trưởng dân số và đô thị hóa nhanh, sản xuất lương thực phát triển mạnh".

Theo báo cáo công bố ngày 29/1 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một hệ thống giám sát toàn cầu đã phát hiện hiện tượng phổ biến kháng thuốc kháng sinh trong số 500.000 người nghi bị nhiễm trùng tại 22 nước.

Ông Marc Sprenger, Giám đốc Cơ quan kháng thuốc kháng sinh của WHO cho biết một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và phổ biến nhất thế giới bị kháng thuốc kháng sinh.

Một báo cáo năm 2016 của Chính phủ Anh dự báo thế giới sẽ thiệt hại 100.000 tỷ USD vào năm 2050 nếu không có biện pháp đảo ngược xu hướng này, trong khi số người chết hàng năm do AMR dự kiến sẽ tăng lên 10 triệu người trong 35 năm tới.

Theo ông Lubroth, 90% số người chết sẽ là ở các nước đang phát triển.

Hiện FAO đang chủ trương giáo dục nông dân về mối nguy hiểm của việc sử dụng thuốc kháng sinh để kích thích tăng trưởng ở động vật và đẩy mạnh thực thi các quy định về sản xuất lương thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục