Giá dầu thế giới vẫn đi lên cho dù có những bất ổn

Mối lo dai dẳng về khủng hoảng nợ công,  yếu kém của kinh tế Mỹ và Trung Quốc, giá dầu vẫn tăng nhẹ song giao dịch kém sôi động.
Mối lo dai dẳng về khủng hoảng nợ công tại châu Âu, các số liệu yếu kém của kinh tế Mỹ và Trung Quốc, cùng dự báo về nhu cầu dầu yếu đi trên toàn cầu, không những đã không làm thị trường dầu mỏ sụt giảm trong tuần qua, mà trái lại, tính chung cả tuần, giá năng lượng chiến lược này vẫn tăng nhẹ song giao dịch kém sôi động.

Chỉ riêng trong tuần qua đã có ba báo cáo của ba cơ quan và tổ chức lớn trong lĩnh vực năng lượng cùng dự báo về nhu cầu sụt giảm về dầu mỏ trên toàn cầu - hệ quả của mức tăng trưởng kinh tế yếu kém tại Mỹ và châu Âu và chậm lại tại các nước đang phát triển. Đó là Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và tổ chức nghiên cứu JBC Energy.

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng không mấy sáng sủa về nhu cầu, giá dầu trong tuần vẫn có xu hướng chủ đạo là đi lên, và tập đoàn ngân hàng khổng lồ Mỹ Goldman Sachs ngày 15/9 thậm chí còn dự báo giá dầu Brent Biển Bắc có thể sẽ chạm mức đỉnh khoảng 130 USD/thùng trong năm nay.

Phiên đầu tuần 12/9, giá dầu giảm nhẹ tại thị trường châu Á song lại tăng giảm không đồng nhất trên thị trường Âu, Mỹ trong bối cảnh những lo ngại về tình hình nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị đẩy lên cao do bất đồng trong nội bộ ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Chốt phiên tại châu Á, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2011 giảm 1,71 USD xuống 85,53 USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 1,17 USD xuống 111,60 USD/thùng. Tại Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 95 xu lên 88,19 USD/thùng; còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc lại giảm 52 xu xuống 112,25 USD/thùng.

Trong các phiên tiếp theo ngày 13 và 14/9, giá dầu tiếp tục biến động thất thường, không đồng nhất, trên các thị trường do các nhà đầu tư cảm thấy bất an trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và việc IEA cùng OPEC đưa ra các dự báo tiêu cực về nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2011 và 2012.

Sang phiên 15/9, giá "vàng đen" đã đồng loạt phục hồi trên tất cả các thị trường ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Nhân tố tích cực ảnh hưởng mạnh đến sự đi lên của giá dầu trong hai phiên này đến từ thỏa thuận vừa đạt được trong ngày 15/9 giữa Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) với 4 ngân hàng trung ương lớn khác của thế giới về cam kết cùng nhau phối hợp cung cấp USD cho các ngân hàng của các quốc gia châu Âu đang ngập trong nợ nần, nhằm giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone.

Thông tin tích cực này đã đẩy các thị trường hàng hóa và chứng khoán toàn cầu tăng mạnh và đẩy đồng euro tăng vọt so với đồng USD, khiến giá dầu trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ đồng euro nên khuyến khích hoạt động mua vào.

Giá dầu còn được hỗ trợ nhờ tuyên bố của IEA cho hay cơ quan này đã chấm dứt việc rút dầu từ các kho dự trữ dầu chiến lược của các nước thành viên (được bắt đầu từ tháng 6 vừa qua), nhằm bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung từ Libi.

Chốt phiên 15/9 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10/2011 tăng 49 xu lên 89,40 USD/thùng, còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng 2,94 USD lên 115,34 USD/thùng.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần 16/9, giá dầu đã quay đầu giảm trên hai thị trường Âu, Mỹ mặc dù vẫn tăng trên thị trường châu Á trước đó. Nguyên nhân là bởi những số liệu không mấy sáng sủa của kinh tế Mỹ - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, khi lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 10/9 vẫn tăng lên so với tuần trước nữa và thêm vào đó, lạm phát tháng 8 tuy giảm nhẹ so với tháng 7 nhưng giá xăng và thực phẩm lại tăng lên, khiến người tiêu dùng Mỹ khốn đốn.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư còn lo ngại về những tín hiệu cho thấy có sự bất đồng tại cuộc họp quan trọng giữa các Bộ trưởng Tài chính châu Âu với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner vào cuối ngày 16/9 để thảo luận về các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Tại cuộc họp tại Ba Lan này, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đã quyết định tạm hoãn gói cứu trợ Hy Lạp trị giá 8 tỷ euro (11 tỷ USD) cho đến khi nào Hy Lạp có được những bằng chứng chắc chắn hơn về quyết tâm cắt giảm thâm hụt của nước này. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cùng đồng nhiệm người Đức Wolfgang Schaeuble lại không nhất trí với cách giải quyết này.

Chốt phiên cuối tuần 16/9 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm xuống 88,11 USD/thùng, song tính chung cả tuần vẫn tăng so với 86,66 USD/thùng của tuần trước nữa. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm xuống 113,43 USD/thùng, và cũng vẫn tăng so với 112,19 USD/thùng của tuần trước nữa./.


Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục