Giai đoạn mới trong đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu rằng Triều Tiên sẽ tiến hành “hành động gây sốc thực sự” và Mỹ sẽ phải “trả giá cho những nỗi đau mà nhân dân chúng ta phải chịu đựng.”
Giai đoạn mới trong đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore, ngày 12/6/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, với việc gần đây thay thế các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, đã cho thấy ý định của ông thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Trong các ngày 18 và 22/1, Ngoại trưởng Ri Yong-ho đã được thay thế bởi ông Ri Son-gwon và Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang-chol được thay thế bởi ông Kim Jong-gwan.

Ông Ri Son-gwon là cựu Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên và ông Kim Jong-gwan là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

[Ẩn số lớn trong tham vọng vũ khí hạt nhân mới của Triều Tiên]

Những điều chỉnh này và một vài cải tổ khác đã được đưa ra trong phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức từ ngày 28-31/12/2019.

Trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu rằng việc Triều Tiên tự áp đặt lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo tầm xa và hạt nhân đã kết thúc, và trong “tương lai gần” Triều Tiên có thể đưa những loại vũ khí “chiến lược” mới vào kho vũ khí của mình.

Ông tiếp tục phát biểu rằng Triều Tiên sẽ tiến hành “hành động gây sốc thực sự” và Mỹ sẽ phải “trả giá cho những nỗi đau mà nhân dân chúng ta phải chịu đựng.”

Ông đe dọa nếu chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên không thay đổi thì “sẽ chẳng bao giờ có phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.”

Vậy, điều gì có thể đã đóng góp cho những hành động khiêu khích gần đây?

Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội tháng 2/2019 đã kết thúc đột ngột vì Triều Tiên yêu cầu những nhượng bộ lớn liên quan đến các biện pháp trừng phạt kinh tế nhưng ngược lại không đáp ứng thỏa đáng yêu cầu của Mỹ.

Mặc dù có một cuộc gặp khác dù rất ngắn giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Khu phi quân sự (DMZ) hồi tháng 6/2019 và một cuộc họp giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên tại Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng 10, nhưng không có tiến triển thực sự nào về phi hạt nhân hóa.

Sau thất bại ở Hà Nội, Triều Tiên liên tục khẳng định sẽ chỉ đợi đến cuối năm 2019 để có kết quả. Thực tế, Triều Tiên đã đe dọa Mỹ rằng họ sẽ nối lại việc thử tên lửa và hạt nhân vốn tạm ngừng gần hai năm qua.

Vì thế, không có gì là bí mật khi cho rằng Triều Tiên đã thất vọng vì thiếu kết quả, và gần 27 vụ thử tên lửa và tên lửa tầm ngắn kể từ tháng 5/2019 đã được thực hiện như một minh chứng cho sự bất mãn này.

Mặt khác, Mỹ trong một số trường hợp đã cáo buộc rằng thời hạn chót cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa do Triều Tiên đặt ra- 31/12/2019- là “giả tạo.”

Mỹ vẫn không sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt và thực tế họ đã chuẩn bị để đối phó với một kịch bản thay thế.

Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông đã công khai bày tỏ hy vọng Triều Tiên chọn hòa bình thay vì chiến tranh.

Một số người đã lập luận rằng chính quyền Trump lợi dụng cuộc đàm phán để đánh lạc hướng sự chú ý về tình hình và "câu giờ" cho đến bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Ông Trump coi các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Triều Tiên như một cột mốc lớn trong chính sách đối ngoại của ông, mặc dù không có tiến bộ rõ rệt nào trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Tất nhiên, Triều Tiên nhận thức được tầm quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và do đó coi đây là thời cơ thích hợp để gây áp lực với Washington.

Ông Kim Jong-un có khả năng cho rằng chính quyền Trump sẽ không chọn hành động quân sự trong năm bầu cử.

Vì lý do này, Triều Tiên sẵn sàng leo thang và tăng cường khả năng tấn công chiến lược, và những tuyên bố gần đây của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như lựa chọn ngoại trưởng mới phản ánh kế hoạch này.

Ông Ri Son-gwon, không giống những người tiền nhiệm, xuất thân từ quân đội và là một người có quan điểm cứng rắn cũng sẽ là thông điệp thích hợp để gửi đến Mỹ.

Dường như “vũ điệu” phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đã bước vào một giai đoạn mới- một giai đoạn sẽ liên quan đến các hành động hiếu chiến và tuyên bố đe dọa từ cả hai nước.

Ngược lại, nếu Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử nghiệm thì mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay có thể báo hiệu những triển vọng tốt để tiến tới một thỏa thuận.

Dù kết quả ra sao, những diễn biến này sẽ báo trước hoạt động trên mặt trận phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong năm 2020 là rất quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục