Giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ

Tối 29/8, Ban Tuyên Giáo Thành ủy và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tối 29/8, Ban Tuyên Giáo Thành ủy và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại chương trình, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để thực hiện ước nguyện lớn nhất của Người.

45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân thành phố cùng nhân dân cả nước đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực vượt qua khó khăn thách thức đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực theo di huấn của Người.

Bản di chúc của Người có sức sống trường tồn soi rọi trên mọi chặng đường lịch sử của dân tộc ta, các thế hệ sau quyết tâm mang ngọn cờ cách mạng của Bác đi đến cùng, phấn đấu hết sức mình để thực hiện lời dặn của Bác trước lúc đi xa.

Phần giao lưu với hai nhân vật (cô Hoàng Thị Khánh và nhà báo Trần Đức Tuấn) có một thời sống trong những ký ức khó quên của mùa thu lịch sử đã tạo ấn tượng sâu sắc, những rung cảm từ đáy lòng những khán giả có mặt tại chương trình.

Vào những ngày này cách đây 45 năm, Bác đã mãi mãi ra đi để lại nỗi buồn đau, niềm tiếc thương khôn xiết đối với đồng bào, chiến sỹ cả nước, nhất là đồng bào và chiến sỹ miền Nam vẫn ngày đêm chiến đấu giành độc lập để mong sớm có một ngày được đón Bác vào thăm.

Cô Hoàng Thị Khánh lúc bấy giờ giữ nhiệm vụ đội trưởng đội võ trang tuyên truyền giữa lòng đô thị Sài Gòn, nhớ lại những hoàn cảnh khi đó, cô chia sẻ khi Bác mất nỗi buồn đau lan nhanh chóng trong cả nước, ở miền Nam dù hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn, mọi người dân đều kìm nén nỗi đau để không bị lung lay ý chí chiến đấu, quần chúng và chiến sỹ càng quyết tâm hơn trong cuộc kháng chiến khi nghe được di chúc của Bác, tin tưởng vào lời Bác rằng “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.”

Còn nhà báo Trần Đức Tuấn khi đó được cử đi học tập tại đất nước Cuba, tin Bác mất đã gây nỗi buồn đau lan tỏa khắp cộng đồng người Việt tại Cuba. Những người bạn Cuba cũng như rất nhiều sinh viên, nhân dân thế giới tại Cuba cũng dành những tình cảm lớn lao và bày tỏ niềm đau xót vô.

45 năm đã qua, những ký ức về thời khắc cuối cùng trước lúc Người đi xa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người đã chứng kiến. Các clip chia sẻ của những người từng sống trong những ký ức khó quên của mùa thu lịch sử cùng các tác phẩm nghệ thuật về Người được thể hiện trong chương trình mang lại sự sâu lắng trong lòng mỗi khán giả, mỗi người con Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng trong di chúc của Bác đó là giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Các thế hệ tiếp nối của thành phố mang tên Bác kính yêu vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, tỏa sáng bản lĩnh và trí tuệ, tiếp tục thực hiện di chúc thiêng liêng của Người, phấn đấu góp phần “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục