Ngày 28/7, tại vùng biển Nha Trang, Khánh Hòa, Trung tâm nghiên cứu chế tạo Tàu thủy (UNINSHIP) thuộc Trường Đại học Nha Trang phối hợp cùng Công ty Yanmar của Nhật Bản, đã hạ thủy và chạy thử thành công chiếc tàu mẫu vỏ composite chuyên dùng câu cá ngừ đại dương, với ký hiệu tàu YANMAR 01.
Đây là tàu do UNINSHIP chế tạo theo đơn đặt hàng của Công ty Yanmar, nhằm đầu tư thí điểm tàu vỏ composite khai thác cá ngừ đại dương tại một số tỉnh Nam Trung bộ của Việt Nam theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật Bản. Theo đó, ngư dân được quyền mua cổ phần đến 100% giá trị tàu và tiến hành sử dụng, khai thác hải sản.
Phía Công ty Yanmar quản lý chất lượng cá ngừ và bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm. Công ty Yanmar dự định sẽ đầu tư khoảng 180 chiếc tàu tương tự cho định hướng phát triển nói trên.
Tàu được thiết kế với tuyến hình tương tự các mẫu tàu đánh cá của Nhật Bản, có đặc tính tốc độ và đặc tính ổn định vượt trội so với mẫu tàu cá vỏ gỗ truyền thống của Việt Nam. Tàu dài hơn 18m, rộng 4,5m và cao 2,5m, máy chính công suất 350CV hiệu YANMAR, đạt tốc độ trung bình 11,5 hải lý/ giờ, phù hợp với yêu cầu đối với tàu câu và có khả năng hoạt động an toàn trong điều kiện gió cấp 8.
Tàu có 9 hầm bảo quản lạnh với tổng dung tích các khoang là 20m3, kết cấu cách nhiệt và kín nước, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả đánh bắt. Hệ thống chứa nhiên liệu của tàu có dung tích 6.000lít, két chứa nước ngọt đạt 3.000lít, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của ngư dân trong một chuyến biển, đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục trong 20 ngày.
Theo UNINSHIP, tàu vỏ composite có tính trơ với sinh vật biển và hàu hà, do đó tiết kiệm được kinh phí và thời gian bảo dưỡng thân tàu hàng năm; độ bền cao, có thể sử dụng đến 30 năm phù hợp với công nghệ sản xuất hàng loạt và giá thành chỉ hơn tàu vỏ gỗ cùng loại khoảng 10-15%.
Cùng với mẫu tàu vỏ sắt, đây cũng là mẫu tàu để ngư dân lựa chọn để thay thế loại tàu gỗ và đạt công suất lớn để đánh bắt xa bờ, khai thác các loại hải sản khác./.