Hải Dương: Xử lý kịp thời các sự cố đê điều và hệ thống thủy lợi

Các địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã khắc phục xong 32 sự cố về đê điều, 47 sự cố về hệ thống thủy lợi.

Phần bãi giáp đê khu vực cầu Hàn, thành phố Hải Dương bị ngập khi nước sông Thái Bình lên cao lúc 10 giờ sáng 11/9/2024. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Phần bãi giáp đê khu vực cầu Hàn, thành phố Hải Dương bị ngập khi nước sông Thái Bình lên cao lúc 10 giờ sáng 11/9/2024. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến 12 giờ ngày 11/9, các địa phương và các cơ quan chức năng đã khắc phục xong 32 sự cố về đê điều, 47 sự cố về hệ thống thủy lợi.

Cụ thể, các sự cố đê điều đã xử lý xong như: 2 sự cố tràn đê tả Thương (thành phố Chí Linh); 3 sự cố sạt mái đê xã Quang Trung, chống tràn cống Quý Cao, hoành triệt cống Tâm ( huyện Tứ Kỳ); 19 sự cố cống, tràn rò qua đê (thị xã Kinh Môn); 1 sự cố chống tràn 100m đê bối xã Hồng Phong (huyện Thanh Miện); 5 sự cố rò rỉ, thẩm đê tả Thái Bình, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà); 1 sự cố hẫng chân mặt đê bê tông, xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương).

Hiện cơ quan chức năng và thành phố Chí Linh đang tiếp tục xử lý 2 cung sạt, 1 lỗ rò đê tả Thái Bình và 1 lỗ rò đê tả Kinh Thầy.

Các sự cố hệ thống thủy lợi đã được xử lý xong gồm 28 sự cố tràn bờ, sạt trượt kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Thanh Miện; 3 sự cố ở huyện Bình Giang; 1 sự cố cống Tam Cửu, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang; 14 sự cố bờ kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Gia Lộc.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý 14 sự cố hệ thống thủy lợi gồm: 6 sự cố kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Tứ Kỳ; 3 sự cố ở huyện Thanh Miện; 2 sự cố chống tràn ở huyện Cẩm Giàng; 1 sự cố cống Đọ ở thành phố Hải Dương và 2 sự cố ở huyện Gia Lộc.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương thực hiện tuần tra, canh gác đê nghiêm ngặt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều, thủy lợi ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Các địa phương và các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung, khẩn trương xử lý ngay các sự cố đê điều, hệ thống thủy lợi còn dang dở để đảm bảo an toàn. Các sự cố đã xử lý xong thì tiếp tục theo dõi chặt chẽ, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để xử lý ngay nếu có diễn biến xấu.

Các địa phương, cơ quan chức năng thực hiện cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi trên đê, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định; cấm hoạt động của các đò ngang.

Vào lúc 13 giờ ngày 11/9, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng đã có công điện gửi sở nông nghiệp các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải về việc ngừng bơm tiêu nước vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; tăng cường theo dõi tình hình an toàn bờ kênh, thực hiện các giải pháp chống tràn bờ kênh và chuẩn bị sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, mực nước đo thực tế vào lúc 14 giờ ngày 11/9 ở 8 trạm thủy văn ở các sông Kinh Thầy, Thái Bình, Gùa, Kinh Môn, Rạng, Luộc thì có đến 6 trạm có mức nước cao hơn so với mức báo động 3.

Hiện 267 điếm canh đê của Hải Dương đã bố trí nghiêm túc tuần tra, canh gác, đảm bảo từng vị trí đê đều có người kiểm tra, chịu trách nhiệm theo đúng quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục