Theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, ngày 20/9, nước này cùng với Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường gây sức ép với Triều Tiên vì chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến 3 bên, Phó tổng Cục trưởng phụ trách chính sách quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Park Chul-kyun, Quyền Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Andrew Winternitz và Cục trưởng Cục chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Yamato đã kịch liệt lên án vụ Triều Tiên hôm 15/9 phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản ra Thái Bình Dương.
Các quan chức nhấn mạnh rằng hành động như vậy có thể không bao giờ được tha thứ do gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và nguy hiểm cho hòa bình, ổn định của khu vực.
Ngoài ra, ba bên còn nhất trí duy trì hợp tác chặt chẽ chống sự đe dọa của Triều Tiên và áp dụng "sức ép tối đa" với Bình Nhưỡng.
Mỹ đã tái đảm bảo cam kết an ninh "không lay chuyển" đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 20/9 đã thành lập một ủy ban mới bao gồm các chuyên gia dân sự để xem xét các chính sách đối với Triều Tiên của chính phủ theo đường lối bảo thủ trước đây và đưa ra những khuyến nghị điều chỉnh.
Nguồn tin từ bộ trên cho biết, ủy ban gồm 9 người này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên trong bối cảnh chính phủ mới theo đường lối tự do của Tổng thống Moon Jae-in đang tìm cách hoạch định chính sách liên quan đến Triều Tiên để có thể được duy trì qua nhiều chính quyền kế tiếp, bất chấp đường lối của các chính quyền đó.
Ủy ban này sẽ chủ yếu xem xét liệu các quyết sách được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye có còn hợp lý hay không khi xét tới mối quan hệ liên Triều, tập trung vào quyết định đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong và ngừng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
[Các nước phản ứng trước lời đe dọa hủy diệt Triều Tiên của Mỹ]
Thành phần của ủy ban có thể gây ra tranh cãi về tính trung lập của tổ chức này do hầu hết các thành viên có quan điểm tự do đối với các vấn đề Triều Tiên.
Một quan chức của bộ trên được dẫn lời thông báo: “Do ủy ban này hướng đến việc đưa ra đề xuất về những điều cần được cải thiện từ chính sách của chính quyền cũ nên các chuyên gia có quan điểm tự do đã được chỉ định tham gia ủy ban.”
Nguồn Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN), một cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ, ngày 20/9 cho biết Washington đã cảnh báo các thể chế tài chính không được tham gia các thỏa thuận tài chính với Triều Tiên, gọi nước này là “mối quan ngại hàng đầu về rửa tiền.”
Đây là cảnh báo thứ hai như vậy trong năm nay, được đưa ra ngày 15/9, trong đó Triều Tiên bị coi là một nước nguy hiểm và không chịu hợp tác với các nỗ lực toàn cầu chống tội phạm rửa tiền.
Cảnh báo của FinCEN được đưa ra sau khi Triều Tiên một lần nữa bị đưa vào danh sách đen của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), một tổ chức liên chính phủ chống nạn rửa tiền.
Cảnh báo nhấn mạnh rằng các thể chế tài chính Mỹ cần tiếp tục tuân thủ hướng dẫn của Bộ Tài chính và FinCEN, hiểu rõ về các quy định liên quan đến làm ăn với Triều Tiên như được ghi rõ trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.