Hàn Quốc muốn đàm phán với Triều Tiên dịp Olympic PyeongChang

Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên tham gia Đại hội Thể thao Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 và nhân cơ hội này tiến hành đàm phán nhằm giảm các lo ngại về an ninh đang gia tăng trong khu vực.
Hàn Quốc muốn đàm phán với Triều Tiên dịp Olympic PyeongChang ảnh 1Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-Yon (giữa) và nhà cựu vô địch trượt băng nghệ thuật Yuna Kim (phải) rước đuốc tại sân bay quốc tế Incheon ngày 1/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun đã kêu gọi Triều Tiên tham gia Đại hội Thể thao Olympic mùa Đông PyeongChang, được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 2/2018, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế và Bình Nhưỡng cần tận dụng cơ hội này để đàm phán nhằm giảm các lo ngại về an ninh đang gia tăng trong khu vực.

Phát biểu trong một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/12, với sự có mặt hiếm hoi của Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Ja Song-nam, Thứ trưởng Cho Hyun nêu rõ: “Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 cần phải là một kỳ thế vận hội vì hòa bình”.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao này của Hàn Quốc cũng cảnh báo rằng Triều Tiên hiện đang ở trong “những giai đoạn cuối cùng của việc trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ có thể thay đổi căn bản khung cảnh an ninh trong khu vực và xa hơn thế" nếu Bình Nhưỡng có khả năng thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân đặt vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.

[Mỹ không coi ICBM mới của Triều Tiên là mối đe dọa thực sự]

Ông cho rằng thế giới cần "đáp trả cứng rắn", song cũng nhấn mạnh "không nên lao vào một cuộc xung đột cũng không nên đóng cánh cửa đối thoại và hòa bình". Theo ông, Liên hợp quốc cần nỗ lực hơn nữa để kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhằm giải quyết vấn đề này một cách hòa bình.

Đại sứ Triều Tiên không đáp lại lời kêu gọi trên mà chỉ tái khẳng định rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên "là phương tiện tự vệ chắc chắn" để chống lại các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ.

Trước đó, trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh trước khi các cuộc đàm với Bình Nhưỡng có thể bắt đầu, Triều Tiên phải ngừng các hành vi đe đọa.

Ông Tillerson khẳng định rằng ngoại trừ điều này, không có điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán và Mỹ cũng không chấp nhận những điều kiện tiên quyết của Triều Tiên hoặc các nước khác.

Đại sứ Triều Tiên cũng phớt lờ tuyên bố trên, đồng thời khẳng định Triều Tiên không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào, với điều kiện là những lợi ích của họ không bị xâm phạm.

Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nối lại tiến trình đàm phán, hướng đến một nền hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Ông nhấn mạnh, để tránh tình hình leo thang bất chợt có thể dẫn tới xung đột, các bên cần phải tái lập ngay các kênh liên lạc với Triều Tiên, đặc biệt là liên lạc liên Triều và các kênh quân sự; đồng thời cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào cũng đều gây ra những hệ quả nghiêm trọng, khôn lường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục