Hàn Quốc: Triều Tiên có thể đã thử hệ thống pháo phản lực

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Triều Tiên nhiều khả năng đã thử hệ thống pháo phản lực nòng 300mm trong vụ phóng mới nhất sáng 26/8 ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này.
Hàn Quốc: Triều Tiên có thể đã thử hệ thống pháo phản lực ảnh 1Người dân theo dõi bản tin về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Triều Tiên nhiều khả năng đã thử hệ thống pháo phản lực nòng 300mm trong vụ phóng mới nhất sáng 26/8 ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này.

Nhà phân tích an ninh Kim Dong-yub của Hàn Quốc cho rằng các đánh giá của Seoul không mâu thuẫn với những đánh giá của quân đội Mỹ, vốn xác định đây là vụ phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Bình Nhưỡng.

Theo ông, các đạn pháo cỡ lớn của Triều Tiên đã xóa mờ ranh giới giữa hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo vì các đạn pháo này tự tạo ra lực đẩy và được dẫn đường trong quá trình phóng.

Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã đính chính về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, theo đó cho biết 2 trong số 3 tên lửa đã không bị rơi trong quá trình bay.

Cụ thể, ở lần phóng đầu tiên và thứ 3, các tên lửa đã bay được quãng đường khoảng 250km.

[Mỹ: Triều Tiên thực hiện vụ phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn]

Các đánh giá này được cho là gần giống các đánh giá của phía Hàn Quốc khi không đề cập tới khả năng thất bại của vụ phóng tên lửa.

Trước đó, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa tầm ngắn, song quả tên lửa thứ 3 dường như đã phát nổ ngay lập tức.

Quân đội Mỹ đồng thời khẳng định các vụ phóng này không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ hay Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc thông báo các tên lửa được bắn đi từ một địa điểm gần Kittaeryong, tỉnh Gangwon của Triều Tiên, bay khoảng 250km về phía Đông Bắc hướng tới Biển Nhật Bản.

Trong khi đó, Tokyo cũng khẳng định các tên lửa này không rơi vào vùng lãnh thổ của Nhật Bản hay các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, đồng thời không đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục