Hãng xe công nghệ Uber lại thua trong cuộc chiến pháp lý tại Hà Lan

Tòa án ở Amsterdam đã ủng hộ Liên đoàn công đoàn Hà Lan lập luận rằng, các tài xế Uber là nhân viên của công ty taxi, được hưởng lương và quyền lợi ngang với những người lao động khác trong ngành.
Hãng xe công nghệ Uber lại thua trong cuộc chiến pháp lý tại Hà Lan ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Ngày 13/9, một tòa án Hà Lan đã ra phán quyết các tài xế của hãng xe công nghệ Uber là nhân viên chứ không phải cộng tác viên độc lập, do đó họ được hưởng các quyền lợi của người lao động.

Đây là chiến thắng mới nhất mà các công đoàn đấu tranh cho quyền của người lao động giành được trong nền kinh tế "gig" (nền kinh tế của những công việc tạm thời, ngắn hạn) sau một phán quyết tương tự ở Anh.

Theo đó, Tòa án khu vực Amsterdam đã ủng hộ Liên đoàn công đoàn Hà Lan (FNV), lập luận rằng trên thực tế, các tài xế Uber là nhân viên của một công ty taxi và do đó nên được hưởng lương và quyền lợi ngang với những người lao động khác trong ngành.

Tòa án cho rằng các tài xế chở khách qua ứng dụng Uber nằm trong khuôn khổ thỏa thuận lao động tập thể về vận tải taxi.

Phán quyết nêu rõ: “Mối quan hệ pháp lý giữa Uber và các tài xế này đáp ứng tất cả các đặc điểm của hợp đồng lao động."

Các thẩm phán cũng yêu cầu Uber phải nộp phạt 50.000 euro (58.940 USD) vì không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận lao động đối với tài xế taxi.

[Công ty Nga mua lại cổ phần của Uber trong thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD]

Tổng giám đốc Uber chi nhánh Bắc Âu Maurits Schonfeld bày tỏ thất vọng trước quyết định trên, đồng thời tuyên bố sẽ kháng cáo và "không có kế hoạch tuyển dụng tài xế ở Hà Lan." Theo ông, Uber hiểu rằng đa phấn các tài xế đều mong muốn độc lập.

Về phần mình, FNV hoan nghênh phán quyết trên là 'chiến thắng to lớn cho các tài xế."

Phó Chủ tịch FNV Zakaria Boufangacha cho biết: “Nhờ phán quyết trên, các tài xế Uber giờ đây tự động nằm trong danh sách tuyển dụng của Uber. Điều này đồng nghĩa họ sẽ nhận được nhiều tiền, cũng như nhiều quyền hơn trong trường hợp bị sa thải hoặc ốm đau.”

Hồi tháng Hai, Tòa án tối cao Anh cũng ra phán quyết một nhóm lái xe của hãng xe công nghệ Uber được hưởng các quyền của người lao động, chứ không phải là cộng tác viên theo hợp đồng. Sau đó, Uber đã cải thiện quyền lợi của người lao động, bao gồm cả mức lương tối thiểu, cho toàn bộ hơn 70.000 tài xế ở Anh.

Trong nền kinh tế "gig," các lao động có xu hướng làm việc ngắn hạn cho nhiều công ty cùng lúc mà không có hợp đồng chính thức hoặc không đảm bảo giờ giấc. Các lái xe của Uber được coi là lao động tự do, tức là theo luật họ chỉ được bảo vệ ở mức tối thiểu.

Trong nhiều năm qua, công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon đã tìm cách duy trì quy chế này qua các tiến trình pháp lý. Các nghiệp đoàn chỉ trích nền kinh tế này mang tính bóc lột, trong khi các doanh nghiệp nói rằng nhiều lao động trong nền kinh tế này có thời gian linh hoạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục