Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ công bố chiến lược Đông Nam Á 2023-2026

Chiến lược do Thụy Sĩ xây dựng và thông qua có tên “Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023-2026” nhằm mở rộng quan hệ của Thụy Sĩ và khai thác tối đa các cơ hội mà sự phát triển chung của châu Á-TBD.
Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ công bố chiến lược Đông Nam Á 2023-2026 ảnh 1Cuộc họp lần thứ 7 Ủy ban hợp tác chung theo lĩnh vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Thụy Sĩ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.(Nguồn: ASEAN)

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ vừa thông qua một chiến lược đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Chiến lược do Thụy Sĩ xây dựng và thông qua có tên “Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023-2026” nhằm mở rộng quan hệ của Thụy Sĩ và khai thác tối đa các cơ hội mà sự phát triển chung của châu Á-Thái Bình Dương mang lại.

Nội dung chiến lược khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tăng lên. 11 quốc gia trong khu vực cùng nhau tạo thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Bên cạnh tiềm năng kinh tế, sự phong phú về điều kiện tự nhiên, văn hóa, ngôn ngữ và dân tộc của Đông Nam Á cũng mở ra rất nhiều cơ hội để Thụy Sĩ thúc đẩy và đa dạng hóa các mối quan hệ của mình với châu Á.

Theo chiến lược này, quan hệ giữa Thụy Sĩ và 11 quốc gia Đông Nam Á sẽ được tăng cường trên 5 lĩnh vực, bao gồm hòa bình và an ninh, kinh tế-giáo dục-nghiên cứu, phát triển bền vững, phát triển kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ chất lượng cho các công dân Thụy Sĩ sinh sống tại các nước trong khu vực.

Trong lĩnh vực kinh tế-giáo dục-nghiên cứu, chiến lược xác định Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động trên thế giới, có tiềm năng ngày càng lớn đối với các lợi ích kinh tế của Thụy Sĩ. Đây là lý do thúc đẩy nước này nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, Thụy Sĩ sẽ tích cực đóng góp vào việc phòng ngừa và giải quyết xung đột vũ trang trong khu vực. Việc Thụy Sĩ là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 sẽ mang đến cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Thụy Sĩ sẽ tích cực hỗ trợ Đông Nam Á trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu.

[ASEAN và Thụy Sĩ tăng cường quan hệ hợp tác song phương]

Đông Nam Á cũng là một trung tâm đổi mới mới nổi trong lĩnh vực công nghệ mới. Thụy Sĩ muốn tăng cường đối thoại với một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt là về quản trị kỹ thuật số và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cũng muốn tăng cường hợp tác khoa học với khu vực do nhận thấy những cơ hội mới đầy tiềm năng.

Cuối cùng, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ muốn cung cấp hỗ trợ phù hợp cho công dân của mình đang sinh sống tại khu vực. Ưu tiên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số, tối ưu hóa hoạt động lãnh sự. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho mối quan hệ của cộng đồng người Thụy Sĩ tại đây với đất nước.

Chiến lược cũng nêu rõ Thụy Sĩ tăng cường hiện diện tại một số diễn đàn đa phương, nhất là với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chiến lược nhằm tăng cường mối quan hệ này cũng như mở rộng hợp tác kỹ thuật với ASEAN, vốn đã có từ năm 2017, đặc biệt trong các lĩnh vực số hóa, đào tạo nghề, phòng chống thiên tai, nhân quyền và môi trường.

Nhằm đa dạng hóa quan hệ với tất cả các bên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thụy Sĩ tham gia các cuộc họp cấp cao khác ở cấp độ đa phương như Diễn đàn Á-Âu (ASEM), Quỹ liên chính phủ Á-Âu (ASEF) và Đối thoại Shangri-La - hội nghị an ninh lớn nhất của khu vực.

Chiến lược Đông Nam Á 2023-2026 là chiến lược thứ 5 trong Chiến lược Chính sách Đối ngoại 2020-2023 được Thụy Sĩ thông qua trong những năm gần đây, sau khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), châu Phi cận Sahara, Trung Quốc và châu Mỹ. Việc Hội đồng Liên bang phê duyệt chiến lược này thể hiện một chính sách đối ngoại nhất quán của Thụy Sĩ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục