Indonesia lần đầu phát sóng truyền hình trực tiếp Thánh lễ tại Rome

Năm 2016, lần đầu tiên người Công giáo Indonesia sẽ có thể theo dõi truyền hình trực tiếp Thánh lễ do Giáo hoàng Francis cử hành tại Đền thờ Thánh St.Peter và các nghi lễ tại Rome.
Indonesia lần đầu phát sóng truyền hình trực tiếp Thánh lễ tại Rome ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi (phải) và Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin. (Nguồn: internasional.metrotvnews.com)

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn nguồn tin hãng ​Antara ngày 11/8 cho biết Indonesia và Vatican đã nhất trí tăng cường quan hệ trong tương lai và sẽ tiến hành đối thoại liên chính phủ.

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp song phương tại Jakarta giữa Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Retno Marsudi và Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin đang thăm Indonesia.

Bộ trưởng Retno Marsudi cho biết hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xã hội và văn hóa.

Một cuộc triển lãm văn hóa Indonesia sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Vatican, trong đó sẽ trưng bày những bức tượng và các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc từ đền Borobudur - ngôi đền nổi tiếng ở Yogyakarta.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ hợp tác trong việc phát sóng radio như một thỏa thuận đã được ký kết hồi đầu tháng Tư giữa Đài phát thanh quốc gia Indonesia (RRI) và Đài phát thanh Vatican.

Đây là lần đầu tiên người Công giáo Indonesia có thể theo dõi truyền hình trực tiếp Thánh lễ do Giáo hoàng Francis cử hành tại Đền thờ Thánh St.Peter và các nghi lễ tại Rome trong năm 2016.

Về lĩnh vực giáo dục, Ngoại trưởng Retno cho biết cộng đồng người Indonesia ở Italy hiện có khoảng 1.500 giáo sỹ và tu sỹ, những người nghiên cứu, làm việc tại Thành phố Vatican và các nơi khác ở Italy.

Hai bên cũng hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học của hai quốc gia thông qua việc trao đổi sinh viên và giảng viên.

Cũng trong dịp này, Đức Hồng y Pietro Parolin bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông về chủ nghĩa đa nguyên hài hòa của Indonesia.

Ông nhấn mạnh Indonesia là một quốc gia của sự hòa hợp tôn giáo, nơi mọi người thuộc tất cả các tôn giáo có thể cùng tồn tại một cách hòa bình; các tôn giáo tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục