Ngày 27/9, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã chấp thuận Palestine tham gia tổ chức với tư cách một nước thành viên, theo đề nghị của Chính quyền Palestine.
Đề nghị của Palestine và Quần đảo Solomon tham gia Interpol được thông qua tại hội nghị thường niên của tổ chức này, diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Trong thông báo đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Interpol nêu rõ: "Nhà nước Palestine và Quần đảo Solomon hiện nay là các thành viên của Interpol." Interpol cũng cho biết với quyết định trên, tổng số thành viên của tổ chức này đã lên tới 192.
[Interpol kêu gọi chung tay ngăn chặn mối đe dọa an ninh toàn cầu]
Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al-Maliki gọi đây là một "chiến thắng" của Palestine và nhờ vào cơ chế đa số của Interpol. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho biết có hơn 75% thành viên Interpol đã bỏ phiếu ủng hộ sự gia nhập của Palestine.
Ông Maliki nêu rõ nhân dịp này, Palestine tái khẳng định cam kết tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như đóng góp vào công tác chống tội phạm và củng cố luật pháp quốc tế.
Israel hiện chưa bình luận về thông tin trên. Trước đó, Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này đã thất bại trong nỗ lực hoãn phiên bỏ phiếu của Interpol về việc Palestine gia nhập tổ chức này sang năm 2018.
Israel luôn phản đối các nỗ lực của Palestine vận động gia nhập các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine.
Năm 2012, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định nâng cấp quy chế của Palestine, từ “Thực thể quan sát viên” lên ”Nhà nước quan sát viên” tại Liên hợp quốc.
Từ đó đến nay, Palestine đã tham gia hơn 50 tổ chức và các thỏa thuận quốc tế, bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)./.