Khủng hoảng với phương Tây, Nga đẩy mạnh hợp tác với ASEAN

Do những khủng hoảng trong quan hệ với các quốc gia Phương Tây, Nga đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế và chính trị với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khủng hoảng với phương Tây, Nga đẩy mạnh hợp tác với ASEAN ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) tại Hội nghị Ngoại trưởng ARF 22. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Doanh Nhân (Nga) ngày 6/8 đưa tin do những khủng hoảng trong quan hệ với các quốc gia Phương Tây, Nga đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế và chính trị với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi vốn đã trở thành khu vực cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo báo trên, trong thời gian tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nga-ASEAN tại Kuala Lumpur, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tiến hành các cuộc gặp với ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Lavrov đang cố gắng thuyết phục các ngoại trưởng cũng như đại diện các doanh nghiệp lớn tại hội nghị lần này rằng Nga đang đối phó với khủng hoảng mặc dù “đang bị một chút ảnh hưởng do những lệnh cấm vận phi lý.”

Moskva muốn thúc đẩy quan hệ không chỉ với các quốc gia riêng lẻ mà với cả khối ASEAN với tiềm năng của thị trường hợp nhất lớn thứ 4 trên thế giới.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết mục đích của phái đoàn Nga lần này là “tăng cường vị thế của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Theo như phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov hôm 5/8, ASEAN đóng vai trò then chốt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và “nhân dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác song phương giữa Nga và ASEAN (sẽ diễn ra vào năm 2016), chúng ta sẽ xây dựng những kế hoạch tổng thể nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này trong tương lai.”

Trong một cuộc họp kín, Ngoại trưởng Nga nói rằng việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu với Việt Nam - thành viên của ASEAN - là một dự án thí điểm. Moskva hy vọng tiếp theo sau Việt Nam sẽ là các quốc gia khác trong khu vực.

Theo một nguồn tin trong Bộ ngoại giao Nga, hiện nay các cuộc đàm phán giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với New Zealand đang gặp phải một số khó khăn tạm thời do Belarus không đồng ý với giá sữa của New Zealand./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục