Theo số liệu của Viện địa lý và thống kê Brazil, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này giảm 0,6% trong quý 2, sau khi bị giảm 0,2% trong quý 1, so với quý ngay trước đó. Sự suy giảm trong quý 2 chủ yếu là do tiêu dùng tại thị trường nội địa giảm.
Đây là lần đầu tiên GDP của Brazil giảm trong hai quý liên tiếp so với quý trước đó kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho rằng kết quả yếu kém trên “mang tính nhất thời” và dự báo nền kinh tế sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay.
Theo bà, bối cảnh quốc tế bất lợi là một trong những yếu tố dẫn tới tình trạng trên. Không chỉ Brazil, nhiều nước khác cũng giảm mạnh tăng trưởng, như Chile, Peru, Colombia.
Theo Bộ trưởng kinh tế Brazil Guido Mantega, tình trạng hạn hán khiến giá điện tăng, và sản xuất công nghiệp bị sụt giảm mạnh trong tháng 6 do chính phủ ban hành nhiều ngày nghỉ trong dịp nước này đăng cai Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup 2014) cũng là những nguyên nhân kinh tế Brazil suy giảm.
Trước ngày hội bóng đá hành tinh, kinh tế Brazil đã gặp khó khăn do lạm phát cao, buộc Ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản lên 11%/năm, mức cao nhất trong ba năm rưỡi gần đây, dẫn tới đầu tư giảm.
Mặc dù giảm hai quý liên tiếp, GDP của Brazil trong 6 tháng đầu năm tăng 0,5% so với nửa đầu năm 2013.
Tuy bác bỏ ý kiến cho rằng kinh tế Brazil bị suy thoái, vì suy thoái chỉ diễn ra khi thất nghiệp tăng và thu nhập giảm, điều không xảy ra tại Brazil, ông Mantega thừa nhận Bộ kế hoạch sẽ phải giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay, sau khi đã giảm dự báo từ 2,5% xuống 1,8%.
Mới đây, Ngân hàng trung ương Brazil dự báo GDP của nước này chỉ tăng 1,6% trong năm nay, cao hơn so với dự báo 1,3% của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Thế nhưng các chuyên gia của các ngân hàng tư nhân được chính phủ tham khảo ý kiến cho rằng GDP của Brazil sẽ giảm 0,7% trong năm nay.
Sau khi đạt tăng trưởng 7,5% năm 2010, Brazil chỉ đạt mức tăng 2,7% năm 2011, 1% năm 2012 và 2,3% năm 2013 do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế quốc tế./.