Ký ức về hai trận cầu lịch sử ngày Việt Nam thống nhất

Hơn bốn tháng sau ngày Việt Nam thống nhất, non sông thu về một mối, những cầu thủ miền Nam Việt Nam lại ra sân trong một trận cầu lịch sử, trong sự hồi hộp xen lẫn cả nỗi sợ hãi.
Ký ức về hai trận cầu lịch sử ngày Việt Nam thống nhất ảnh 1Trận đấu giữa Hải Quan và Ngân hàng là trận đấu cuối cùng trên sân Cộng hòa trước khi nó được đổi tên thành sân Thống Nhất. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày hai miền Nam Bắc sum vầy, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Điểm bắt đầu của hành trình ấy là hai trận cầu lịch sử nối liền hai miền đất nước ngày 2/9/1975 và ngày 7/11/1976. Nhân kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Vietnam​Plus sẽ cùng độc giả hồi tưởng lại những khoảnh khắc lịch sử ấy.

Bài 1: Bóng đá phục sinh ở sân Cộng hòa - Thống Nhất

Ngày 2/9/1975, hơn 20.000 người hâm mộ ngồi kín các khán đài sân Cộng hòa. Họ làm gì vậy? Chuẩn bị xem một trận đấu bóng đá. Giữa hai đội nào? Hải Quan và Ngân hàng. Xin nhấn mạnh, đó là Hải Quan miền Nam và Ngân hàng miền Nam.

Hơn bốn tháng sau ngày Việt Nam thống nhất, non sông thu về một mối, những cầu thủ miền Nam Việt Nam lại ra sân trong một trận cầu lịch sử, trong sự hồi hộp xen lẫn cả nỗi sợ hãi.

Thời điểm ấy, đất nước vừa thống nhất chưa được bao lâu. Các cấp lãnh đạo tin rằng một trận đấu bóng đá như vậy sẽ hồi sinh phong trào bóng đá và thể thao miền Nam sau Giải phóng đồng thời góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, mang cuộc sống bình thường trở về miền Nam.

Nhưng ý định ấy đã vấp phải nhiều khó khăn. Bất chấp những sự tuyên truyền của Đảng, các thế lực thù địch, đài báo phương Tây đã liên tục đưa tin chống phá. Họ dự báo về một trận cầu của “máu và nước mắt”, về một ngày thảm sát. Họ cài người, âm mưu lợi dụng trận đấu để xuyên tạc, đả kích chính quyền. Với tất cả những người đến sân, bầu không khí hôm ấy vừa tưng bừng, vừa chất chứa âu lo.

Trên sân bóng, cầu thủ hai đội cũng đang trong nỗi khắc khoải. Đây là trận đấu đầu tiên trên sân Cộng hòa sau ngày 30/4. Rất nhiều cầu thủ của Hải Quan và Ngân hàng có “chân” trong tuyển Việt Nam cộng hòa, nhiều người từng là cảnh sát, bảo an, quân đội cũ... Trận đấu với tất cả những người tham dự, là lời thách thức của hòa bình, của chính quyền mới gửi tới quá khứ và những lực lượng phản động.

Tuyệt vời thay vì hôm đó, bóng đá đã chiến thắng.

Hải Quan và Ngân Hàng ra sân với đội hình gồm nhiều danh thủ bóng đá miền Nam. Đó là Hồ Thanh Chinh, Phạm Văn Lắm, Đỗ Cẩu, Trần Tiết Anh, Đỗ Văn Khá... Họ cống hiến một trận cầu hấp dẫn với tỷ số 3-1 dành cho Hải Quan.

Nhưng tỷ số trận đấu là điều không mấy ai quan tâm. Những nhân chứng kể lại nhiều cầu thủ và cổ động viên đã khóc khi trái bóng bắt đầu lăn trên sân. Trận đấu đầu tiên trên thành phố vừa bước qua chiến tranh đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Đó cũng là trận đấu cuối cùng trên sân Cộng hòa. Hai tháng sau, Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước quyết định đổi tên sân thành Thống Nhất. Năm 1979, giải bóng đá Cửu Long khai mạc. Năm 1980, giải vô địch quốc gia lần thứ nhất diễn ra. Hải Quan đoạt hạng nhì toàn quốc.

Trên đống tro tàn của hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, bóng đá đã hồi sinh như thế. Nhưng đó mới chỉ là bước đi đầu tiên. Cả đất nước vẫn chờ một ngày hai miền Nam - Bắc gặp nhau trên thảm cỏ.../.

Bài 2: Trận đấu rưng rưng nước mắt nối hai miền Nam-Bắc

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục