Theo Reuters, ngày 27/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã thảo luận về sự can dự quân sự của Moskva vào Syria cũng như cách thức giảm xung đột và khả năng tiến hành quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Trả lời báo giới, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết: "Đó là một cuộc trao đổi quan điểm rất kỹ lưỡng về những sự dính líu chính trị và quân sự trong sự can dự ngày càng rõ ràng của Nga tại Syria. Họ đã thảo luận về sự cần thiết phải giảm xung đột và nếu có thể là nối lại đàm phán về việc tìm cách thúc đẩy một cuộc chuyển tiếp chính trị."
Theo quan chức trên, cuộc thảo luận giữa hai Ngoại trưởng diễn ra nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 28/9.
Theo Reuters, tờ Sunday Telegraph của Anh số ra ngày 27/9 đưa tin Thủ tướng Anh David Cameron đang hướng tới việc giữ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nắm quyền trong ngắn hạn khi chính phủ đoàn kết tại quốc gia Trung Đông này được thành lập.
Dẫn một nguồn tin chính phủ giấu tên, báo trên cho biết quan điểm của ông Cameron là "sẽ không có tương lai hòa bình, ổn định và lâu dài dành cho Syria - nơi mà người dân nước này có thể hồi hương khi ông Assad làm lãnh đạo của họ."
Còn khi được hỏi liệu ông Assad có thể tại vị trong giai đoạn chuyển tiếp hay không, ông Cameron trả lời rằng sẽ không yêu cầu Tổng thống Assad phải từ chức ngay lập tức.
Trong một diễn biến liên quan tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày cho biết ông đang tìm kiếm các đối tác trong khu vực để thiết lập một "khuôn khổ điều phối" trong cuộc chiến chống lại tổ chức này.
Ông cũng cho biết đã đích thân thông báo ý định của mình với Quốc vương Saudi Arabia, Quốc vương Jordan và Mỹ.
Hiện Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria với việc triển khai thêm nhiều binh sỹ và các máy bay chiến đấu cùng với các vũ khí mới cho binh lính của Tổng thống Assad.
Theo AFP, ngày 27/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông sẵn sằng thảo luận về "một kế hoạch hành động" cho tương lai hậu chiến của Syria sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh NPR, Tổng thống Rouhani nói: "Hiện nay, việc bắt đầu thảo luận và đối thoại để xác định và hoàn tất kế hoạch hành động tiếp theo sau khi khủng bố bị đánh đuổi khỏi lãnh thổ đó (Syria)... không phải là vấn đề với chúng tôi. Tuy nhiên, tất cả chúng ta phải nhất trí hành động và có một kế sách cần thiết để đánh đuổi khủng bố ngay lập tức."
Theo ông Rouhani, Iran sẵn thảo luận "các phương án sắp tới" và cần phải có sự tham gia của Chính phủ Syria để "đạt được một kế hoạch hành động."
Tổng thống Iran dự kiến sẽ đề cập đến cuộc khủng hoảng Syria tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 28/9, sau những bài phát biểu tại diễn đàn này của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, theo Reuters, một quan chức Pháp cho biết, trong cuộc gặp với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani ngày 27/9 bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng Iran có thể là một nhân tố giúp tìm ra giải pháp chính trị cho Syria, song vẫn tuyên bố Tổng thống Bashar al-Assad không thể là một phần của giải pháp này.
Quan chức giấu tên trên cho hay: "Iran là một nhân tố trong khu vực, nhưng cũng là một bên đóng góp cho việc tìm ra giải pháp. Tổng thống Hollande nói rằng vấn đề ông Assad không thể được xem là một lời giải đáp."
Theo quan chức này, ông Hollande cũng gửi lời chia buồn tới Tổng thống Rouhani sau thảm kịch giẫm đạp trong lễ hành hương tại Saudi Arabia, đồng thời cho rằng không nên để vụ việc này làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia./.