LHQ: Năm 2015 có ý nghĩa quyết định với tương lai của Somalia

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận về tình hình Somalia, trong đó nhấn mạnh năm 2015 là thời điểm mang tính quyết định đối với tương lai của quốc gia Đông Phi này.
LHQ: Năm 2015 có ý nghĩa quyết định với tương lai của Somalia ảnh 1Lực lượng AMISOM tại Somali. (Nguồn: www.mareeg.com)

Ngày 4/2, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận về tình hình Somalia, trong đó nhấn mạnh năm 2015 là thời điểm mang tính quyết định đối với tương lai của quốc gia Đông Phi này.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn lời ông Nicholas Kay, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Somalia, nhận định năm 2015 là thời điểm để đất nước thuộc vùng Sừng châu Phi này chứng tỏ nỗ lực xây dựng một quốc gia liên bang hòa bình, thống nhất và ổn định. Ông hoan nghênh ý tưởng thành lập chế độ liên bang ở Somalia cũng như sáng kiến "Tầm nhìn-2016" của chính phủ nước này nhằm tái thiết trật tự, an ninh và ổn định tình hình đất nước.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại rằng quỹ thời gian dành cho sáng kiến trên là quá hạn hẹp để có thể khắc phục hoàn toàn những hậu quả nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài nhiều năm qua tại đây.

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ Somalia có ngay các biện pháp cần thiết để củng cố sức mạnh của các cấp chính quyền và sớm thành lập các thể chế quyền lực tại những khu vực còn trống khuyết chính quyền quản lý.

Theo ông, trong năm nay, quốc gia Đông Phi này cần hoàn tất quá trình thẩm định lại hiến pháp, trong đó phải đặc biệt chú ý tới vấn đề phân chia quyền lực, củng cố sức mạnh của chính quyền các cấp, cũng như việc sử dụng các nguồn tài nguyên quốc gia.

Liên quan tới kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử được nêu trong "Tầm nhìn-2016," ông Nicholas Kay đề nghị Hội đồng bảo an hỗ trợ Somali thành lập một ủy ban bầu cử độc lập, cũng như các ủy ban về biên giới và thể chế liên bang.

Ngoài ra, Liên hợp quốc, đặc biệt là các quốc gia thành viên thuộc khu vực sừng châu Phi, cũng như toàn châu lục này cần ủng hộ các thể chế mới ở Somalia củng cố sức mạnh chính quyền, tạo thuận lợi để chính quyền mới khai thác mọi tiềm năng của đất nước, phục vụ công cuộc ổn định tình hình, tái thiết đất nước và phát triển.

Ông cũng kêu gọi các chính trị gia tại Somalia cùng thực hiện các trách nhiệm chính trị, xây dựng và củng cố lòng tin của các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và bộ lạc, gác lại những lợi ích cá nhân và phe nhóm vì tương lai của đất nước.

Ông Nicholas Kay đánh giá cao hoạt động phối hợp giữa Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM), Phái bộ hỗ trợ AMISOM của Liên hợp quốc (UNSOA) và quân đội quốc gia Somalia trong cuộc chiến chống lại các hoạt động gây rối, phá hoại của tổ chức khủng bố "Al-Shabaab," đồng thời bày tỏ hy vọng trong năm nay cuộc sống bình yên sẽ được tái thiết tại quốc gia này.

Tuy nhiên, ông thừa nhận Somalia vẫn đang là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, cần tới sự có mặt của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ Somalia để đất nước này có thể tự đứng được bằng đôi chân của mình trong thời gian sớm nhất có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục