Libya: Các tay súng tấn công đài truyền hình ở thủ đô Tripoli

Các tay súng chưa rõ danh tính đã đột nhập trụ sở kênh truyền hình Al-Nabaa ở trung tâm thủ đô Tripoli của Libay, cắt mọi chương trình phát sóng và buộc toàn bộ nhân viên rời khỏi trụ sở.
Libya: Các tay súng tấn công đài truyền hình ở thủ đô Tripoli ảnh 1Ông Fayez al-Sarraj phát biểu trong cuộc họp báo ở Tripoli, Libya. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chiều 30/3, các tay súng chưa rõ danh tính đã đột nhập trụ sở kênh truyền hình Al-Nabaa ở trung tâm thủ đô Tripoli của Libay, cắt mọi chương trình phát sóng và buộc toàn bộ nhân viên rời khỏi trụ sở. Không có ai bị thương trong vụ việc này.

Trụ sở của Al-Nabaa nằm gần trụ sở của chính phủ không được quốc tế công nhận ở Libya hiện đang kiểm soát Tripoli. Một nhà báo thuộc kênh truyền hình trên cho biết các tay súng dường như là những người ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên hợp quốc bảo trợ.

Một nhân viên Al-Nabaa cho biết thêm trong số các tay súng có một số mặc thường phục.

Trước đó cùng ngày, người đứng đầu chính phủ đoàn kết dân tộc, ông Fayez al-Sarraj cùng các thành viên trong chính phủ này đã về Tripoli để bắt đầu công việc. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, ông đã bị chính quyền ở Tripoli yêu cầu rời khỏi thành phố này.

Trước đó, chính quyền ở Tripoli đã tìm cách ngăn cản ông Sarraj về nước, như đóng cửa khẩu hàng không, chặn một số quốc lộ chính, thậm chí ban bố "tình trạng khẩn cấp tối đa."

Libay rơi vào khủng hoảng chính trị với hai chính phủ tồn tại song song - một đặt trụ sở tại Tripoli và được phe Hồi giáo ủng hộ, và một được quốc tế công nhân đặt trụ sở tại Tobruk, miền Đông Libya.

Ông Sarraj đứng đầu Hội đồng Tổng thống được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà hai phe phái đối địch Libya ký kết tại Maroc tháng 12/2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Hội đồng Tổng thống sẽ thay thế hai chính phủ đối địch nói trên. Hội đồng này ban đầu đặt trụ sở tại thủ đô Tunis của Tunisia.

Khi về Tripoli ngày 30/3, ông Sarraj tuyên bố việc hòa giải và giải quyết khủng hoảng an ninh cũng như kinh tế là ưu tiên cao nhất của ông.

Cùng ngày 30/3, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya, ông Martin Kobler đã bày tỏ hoan nghênh ông Sarraj cùng Hội đồng Tổng thống về Tripoli, khẳng định động thái này "đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển tiếp dân chủ và hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng."

Đặc phái viên Liên hợp quốc ca ngợi sự dũng cảm, quyết đoán và tinh thần lãnh đạo của Hội đồng Tổng thống trong việc thực thi thỏa thuận chính trị và đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân Libya.

Ông Kobler khẳng định cộng đồng quốc tế luôn ủng hộ chính phủ đoàn kết Libya và sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ cần thiết, đồng thời kêu gọi người dân Libya hợp tác với Hội đồng Tổng thống và chính phủ đoàn kết dân tộc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng hoan nghênh việc ông Sarraj về nước đảm nhận công việc, đồng thời cho rằng chính phủ đoàn kết dân tộc Libya "giờ đây có thể bắt đầu công việc quan trọng là giải quyết một loạt thách thức về chính trị, an ninh, kinh tế và nhân đạo mà Libya đang phải đối mặt."

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề đối ngoại, bà Federica Mogherini nhận định việc ông Sarraj về nước "là cơ hội duy nhất để người dân Libya thuộc mọi phe phái đoàn kết với nhau." Bà cũng cho biết EU sẵn sàng hỗ trợ Libya và đã chuẩn bị gói hỗ trợ trị giá 100 triệu euro (110 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục