Ngày 30/3, ông Fayez al-Sarraj, người đứng đầu chính phủ đoàn kết Libya được Liên hợp quốc bảo trợ, đã về thủ đô Tripoli để bắt đầu công việc, bất chấp sự phản đối của các phe phái đối địch tại nước này.
Hội đồng tổng thống Libya được Liên hợp quốc hậu thuẫn cho biết ông Sarraj cùng 7 thành viên Nội các đã từ Tunisia về Libya an toàn bằng đường biển và đã gặp các sỹ quan quân đội tại căn cứ hải quân Abusita của Libya.
Libya hiện tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận đã buộc phải chuyển tới Tobruk (miền Đông) sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya (Fajir Libya) chiếm thủ đô và lập chính phủ mới với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.
Tháng 12/2015, các phe phái đối địch của Libya đã đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Liên hợp quốc làm trung gian, theo đó, lập một chính phủ đoàn kết và chỉ định ông Sarraj làm Thủ tướng.
Đầu tháng này, chính phủ đoàn kết thông báo sẽ bắt đầu làm việc sau khi được đa số nghị sỹ dân bầu của Libya ủng hộ.
Tuy nhiên, lực lượng Hồi giáo đang chiếm đóng thủ đô Tripoli cấm ông Sarraj và chính phủ đoàn kết về Tripoli, và đã đóng cửa hàng không nhiều lần, thậm chí ban bố "tình trạng khẩn cấp tối đa" để ngăn cản.
Trong khi đó, chính phủ được quốc tế công nhận của Libya cũng tuyên bố không ủng hộ chính phủ đoàn kết của ông Sarraj.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 29/3 kêu gọi các phe phái tại Libya dẹp bỏ bất đồng và cho phép Hội đồng Tổng thống làm việc để hướng tới cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự cho chính phủ đoàn kết dân tộc, qua đó ngăn chặn sự phát triển của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ông cũng kêu gọi Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya thực hiện trách nhiệm của mình trong việc triển khai thỏa thuận chia sẻ quyền lực nói trên./.