Ngày 24/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá có tới 800.000 người di cư đang tập trung ở Libya để tìm cách sang châu Âu.
Đây là một nguy cơ lớn đối với châu Âu khi Libya chưa có một chính phủ chính thức.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Pháp Europe 1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh cần phải cần khẩn cấp thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya để có thể ngăn chặn nạn buôn người, bởi đây là một nguồn nuôi dưỡng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo ông Jean-Yves Le Drian, chỉ khi Libya có một chính phủ đoàn kết dân tộc, tàu chiến của châu Âu trong chiến dịch Sophia với mục tiêu chống buôn người mới có thể tuần tra đến tận bờ biển Libya.
Chiến dịch Sophia khởi động từ tháng 6/2015, với sự tham dự của 22 nước châu Âu, đến nay chỉ có thể khám xét, kiểm soát hay bắt giữ tàu chở người di cư trên vùng biển quốc tế, thực tế còn rất xa căn cứ của bọn buôn người.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp kêu gọi các nước liên quan có ảnh hưởng trong khu vực như Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cần phải cùng hành động để chính phủ hòa hợp dân tộc tại Libya được thừa nhận.
Chính phủ trên, một khi được thành lập, sẽ hỗ trợ cộng đồng quốc tế loại bỏ mối đe dọa nguy hiểm ở Libya, khi mà IS có 4.000-5.000 chiến binh tại nước này, bên cạnh mạng lưới buôn người và buôn vũ khí.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm dòng người di cư vào châu Âu qua tuyến đường biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã có hiệu lực hôm 20/3 vừa qua, làm dấy lên lo ngại những người chạy trốn chiến tranh nghèo đói từ Trung Đông, Bắc Phị có thể tìm tới tuyến đường Libya - Italy nguy hiểm hơn, để tới được châu Âu.
Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, chỉ trong hai tháng đầu năm nay, hơn 100.000 người di cư đã vượt biển Địa Trung Hải để tới châu Âu.
Từ giữa năm 2014, tại Libya đã tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra đã buộc phải chuyển tới Tobruk sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới dưới sự ủng hộ của cơ quan lập pháp cũ.
Liên hợp quốc hối thúc các chính trị gia đối địch ở Libya chấp nhận chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015.
Tuy nhiên, ngày 18/3 vừa qua, chính phủ ở Tobruk tuyên bố không chấp thuận cho chính phủ đoàn kết bắt đầu hoạt động và phản đối "các biện pháp của một số bên quốc tế muốn áp đặt chính phủ đoàn kết dân tộc," cho rằng những bước đi đó sẽ "làm phức tạp thêm" cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya và gây chia rẽ sâu sắc hơn đất nước này.
Trước đó, chính phủ tự xưng tại Tripoli cũng ra tuyên bố nhấn mạnh chính phủ đoàn kết dân tộc mới sẽ không được hoan nghênh tại Tripoli./.