Ngày 22/3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ sự quan ngại về chính sách tị nạn mới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó cho phép giới chức Hy Lạp đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ tất cả người tị nạn mới.
Phó Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq cho biết thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người tị nạn, có hiệu lực từ ngày 20/3, cần có thêm "chế tài" để bảo vệ những người tị nạn được đưa ra khỏi Hy Lạp" mặc dù, hiện nay Hy Lạp không đủ khả năng tiếp nhận và xử lý vấn đề người tị nạn, nhất là các điều kiện thích hợp để duy trì đời sống và giải quyết các trường hợp tị nạn.
Theo UNHCR, hiện có 934 người đã tới đảo Lesbos của Hy Lạp, kể từ ngày 20/3 và đang đăng ký tị nạn và sống tạm thời trong trại Moria, nằm ở phía Đông của hòn đảo này. Ngoài ra, hiện còn có hơn 880 người tị nạn đã đến đây trước ngày 20/3 và đã được bố trị tạm thời tại trung tâm Kara Tepe, đang được điều hành, trợ cấp của chính quyền địa phương.
Người phát ngôn của UNHCR, bà Melissa Fleming cũng nhấn mạnh các cơ quan của Liên hợp quốc không phải là một bên tham gia thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, nên sẽ không trách nhiệm và tham gia vào việc trả lại hay tạm giữ người tị nạn.
Tuy nhiên, bà Fleming cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà chức trách Hy Lạp để cải thiện các cơ sở, năng lực tiếp nhận và đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu, cũng như bảo vệ nhân quyền cho những người tị nạn.
Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng bày tỏ lo ngại về chính sách tị nạn mới giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh báo rằng thỏa thuận mới có thể đẩy nhiều người tị nạn tìm kiếm các tuyến đường nguy hiểm hơn.
Theo UNICEF, đến nay có 19.000 trẻ em tị nạn và nhập cư trái phép đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp./.