LienVietPostBank điều chỉnh giảm hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh

LienVietPostBank đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng và một số chỉ tiêu khác.
LienVietPostBank điều chỉnh giảm hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh ảnh 1Giao dịch tại LienVietPostBank. (Nguồn: LienVietePostBank)

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018 của ngân hàng.

Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng; tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng; dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng; tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%.

Một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản của năm 2018 vẫn được LienVietPostBank giữ nguyên, gồm vốn điều lệ tăng lên 9.875 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

[Tổng tài sản của ngân hàng LienVietPostBank đạt gần 176.000 tỷ đồng]

Lý giải lý do quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2018, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank đưa ra một số nguyên nhân. Ông Thắng cho biết, việc điều chỉnh chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ thị trường 1 để tương ứng với room tín dụng năm 2018 theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (kế hoạch đầu năm xây dựng là tăng trưởng 20% tăng trưởng tín dụng, phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước là 14%).

Ông Thắng cho biết thêm, trong giai đoạn 2018-2019, LienVietPostBank xác định chiến lược là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới vì mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu và phục vụ cho mọi người dân đến tận tất cả các xã/phường, huyện/thị trên toàn quốc. Việc mở rộng mạng lưới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý.

Cụ thể, chỉ tính riêng số lượng điểm giao dịch của LienVietPostBank được mở mới trong 6 tháng đầu năm là 95 phòng giao dịch bưu điện nâng cấp, 2 chi nhánh và 1 phòng giao dịch trực thuộc, tức là gần bằng một nửa trong tổng số hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng đã được mở trong suốt 9 năm hoạt động từ 2008 đến tháng 2017. Việc mở rộng mạng lưới làm tăng chi phí đầu tư cộng thêm thực tế các là chi nhánh, phòng giao dịch mới đi vào hoạt động chưa thể đạt ngay mức doanh thu và lợi nhuận cao, đó là nhân tố chính làm giảm mức lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018 và sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm của LienVietPostBank.

Song song với mở rộng mạng lưới, LienVietPostBank chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới trong quản trị điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro, nâng cao năng suất lao động, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực… nhằm mục tiêu phát triển mạnh kinh doanh hiệu quả, an toàn hơn trong các năm tới.

Bên cạnh đó, LienVietPostBank quyết định đầu tư xây dựng và triển khai dịch vụ Ngân hàng số nhằm bắt kịp xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng 4.0.

Công tác huy động vốn của LienVietPostBank tăng trưởng rất tốt theo định hướng bán lẻ trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ 48 lên 56%. Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận ngân hàng trong giai đoạn hiện tại.

Với các chỉ tiêu kinh doanh điều chỉnh, Chủ tịch Nguyễn Đình Thắng khẳng định: “Mức lợi nhuận 1.200 tỷ đồng chắc chắn ngân hàng sẽ đạt được bởi trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ có sự tăng trưởng cao hơn nửa đầu năm. Hơn nữa, LienvietPostBank có lợi thế hệ thống mạnh lưới rộng khắp, vươn tới những địa bàn xa xôi. Ngoài ra, ngân hàng sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ thu phí… cải thiện thu nhập”.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, LienVietPostBank đã đạt hơn 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ban lãnh đạo ngân hàng quyết định linh hoạt điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2018 để phù hợp với tình hình thực tế và định hướng chiến lược lâu dài của ngân hàng. Chỉ tiêu lợi nhuận có thể giảm trong năm 2018, nhưng với mạng lưới rộng lớn và hạ tầng công nghệ hiện đại, ứng dụng ngân hàng số sẽ là nền tảng để tăng trưởng đột phá từ năm 2020 và về lâu dài sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Sau hơn 10 năm thành lập và phát triển, vốn điều lệ của ngân hàng là 7.460 tỷ đồng và hiện là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất Việt Nam, hiện diện trên 63/63 tỉnh, thành toàn quốc với hơn 327 chi nhánh, phòng giao dịch, hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến cấp huyện, xã.

Hàng năm, LienVietPostBank đều chi trả cổ tức cho cổ đông với tổng mức chi trả cổ tức của LienVietPostBank từ 2008 đến 2017 là gần 105% bằng tiền mặt. Và năm 2018, mức cổ tức dự kiến 10% là đạt kỳ vọng của phần lớn nhà đầu tư và cũng là tỷ lệ lợi nhuận tốt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng./.

Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng lý giải về việc điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu kinh doanh
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục