Lợi nhuận của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tăng 36%

Đại diện của SCIC cho biết đến 31/12/2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch, Lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.197 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch.
Lợi nhuận của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tăng 36% ảnh 1Logo của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). (Nguồn: Vneconomy)

Đại diện của SCIC cho biết đến 31/12/2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.588 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.197 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.

Con số lợi nhuận trên được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố trong buổi làm việc về hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này trong năm 2020 và triển khai hoạt động năm 2021 diễn ra ngày 14/1, tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, liên quan đến việc đầu tư vào Vietnam Airlines, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc SCIC, cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 vừa được thông qua, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay, đồng thời SCIC được chỉ định tham gia đợt tăng vốn của tổng công ty này. SCIC sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đầu tư vào Vietnam Airlines theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Chí Thành cũng chia sẻ những kế hoạch của SCIC trong năm 2021. Theo đó, SCIC báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm phê duyệt việc triển khai phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2021; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược Phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2035; Chủ động triển khai xây dựng báo cáo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành Quỹ Đầu tư Chính phủ.

Bên cạnh đó SCIC tiếp tục báo cáo Ủy ban và các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thiện cơ chế chính sách tiếp nhận, bán vốn, cổ phần hóa, đầu tư, phê duyệt vốn điều lệ của SCIC.

[COVID-19 bẻ gãy đà phát triển, ngành giao thông tìm ‘thuốc hồi sinh’]

Liên quan đến việc đầu tư, SCIC sẽ ưu tiên xem xét các cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà nhà nước cần tập trung đầu tư và nắm giữ chi phối, đồng thời, đảm bảo năng lực tài chính của SCIC và hiệu quả đầu tư theo nguyên tắc thị trường.

Thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, trong một thời gian ngắn, SCIC đã tiếp nhận 7/14 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 8.306/13.246 tỷ đồng vốn nhà nước.

SCIC thường xuyên bám sát làm việc với các Bộ ngành đề nghị phối hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp còn lại chưa hoàn thành bàn giao.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế trong công tác thoái vốn, SCIC đã chủ động làm việc trực tiếp và gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, một số kiến nghị của SCIC đã được tiếp thu như áp dụng cơ chế đặc thù về bán vốn; bán vốn tại các doanh nghiệp đường bộ, đường sông; không hạn chế lĩnh vực đầu tư...

Công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC nhìn chung được triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt được hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục