Mở cửa du lịch: Tập trung ‘hồi sức’ cho nền kinh tế xanh Việt Nam

Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn mở cửa du lịch hoàn toàn và phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế xanh sau 2 năm "cửa đóng then cài." Vậy du lịch Việt cần làm gì để tạo sức hấp dẫn du khách?
Du lịch mở cửa mang đến cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế xanh Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Du lịch mở cửa mang đến cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế xanh Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau hai năm chịu cảnh “cửa đóng then cài,” cuối cùng ngày vui cũng đã về với ngành công nghiệp không khói Việt Nam, khi ngày 15/3 toàn bộ hoạt động du lịch trên cả nước sẽ vận hành trở lại bình thường.

Các chuyên gia khẳng định du lịch nước nhà có nhiều lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phục hồi mới nhờ cảnh quan tươi đẹp, truyền thống lịch sử, văn hóa đa dạng, di sản phong phú… để có thể mang đến nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị cho du khách.

Tuy nhiên, làm sao để có thể cạnh tranh đúng và trúng cũng như tháo gỡ rào cản nào cho lộ trình phục hồi mau chóng, mạnh mẽ… ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Vietnamplus.

Việt Nam: Điểm đến giàu trải nghiệm

- Ngày 15/3, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, với sự thay đổi của tâm lý du khách hậu COVID, theo ông yếu tố nào sẽ tạo nên sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cho du lịch Việt?

Ông Hoàng Nhân Chính: Để trả lời khách quan câu hỏi này, tôi muốn cung cấp kết quả khảo sát từ đối tác của Hội đồng Tư vấn du lịch, để nhìn vào đó các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thêm cơ sở nghiên cứu, xây dựng sản phẩm mới phù hợp.

[‘Phát súng thí điểm' sẽ mở ra chặng đường phục hồi cho du lịch Việt]

Theo kết quả khảo sát khách du lịch Singapore, họ đánh giá cao phong cảnh tươi đẹp, truyền thống văn hóa và lịch sử giàu bản sắc, ẩm thực độc đáo và đặc biệt là con người Việt Nam thân thiện. Khách du lịch quan tâm nhiều đến các sản phẩm du lịch như tham quan văn hóa, lịch sử, phong cảnh, các di sản thế giới, kết hợp với nghỉ dưỡng, ẩm thực, trải nghiệm lối sống…

Mở cửa du lịch: Tập trung ‘hồi sức’ cho nền kinh tế xanh Việt Nam ảnh 1Ông Hoàng Nhân Chính. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách Singapore được kết hợp với các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam và lưu trú dài ngày. 95% người trả lời cho biết họ lên kế hoạch đi du lịch Việt Nam với mục đích nghỉ dưỡng từ 7 ngày trở lên.

Trong khi đó, kết quả khảo sát khách du lịch Anh cho thấy họ có xu hướng du lịch phiêu lưu và nghỉ dưỡng gần với thiên nhiên, tham quan điểm đến mới và đi du lịch đường dài. Một xu hướng khác hiện nay là “bù lại” những kỳ nghỉ trước đây đã bị bỏ lỡ.

Khách du lịch có xu hướng dành ngân sách nhiều hơn cho trải nghiệm của họ trong chuyến đi tiếp theo với việc nâng hạng lên các khách sạn 5 sao và tận hưởng kỳ nghỉ dài hơn. Ưu tiên du lịch chăm sóc sức khỏe cũng là một xu hướng mới. Bởi sau thời gian bị hạn chế đi lại, du lịch sẽ mang đến lợi ích về sức khỏe và tinh thần.

Khác với khách Anh, ngày càng nhiều khách du lịch Đức muốn đi nghỉ cùng gia đình và bạn bè thân thiết sau thời gian phải xa cách; trong đó nhu cầu tăng cao về việc được tự hồi phục và chữa bệnh cho bản thân.

Sau đại dịch, người dân muốn được tận hưởng cuộc sống có ý thức hơn và dành nhiều thời gian sống gần gũi với thiên nhiên. 68% du khách Đức yêu cầu các công ty có hành vi ý thức nhất có thể về bảo vệ môi trường.

Còn theo kết quả khảo sát khách du lịch Pháp, có tới 87% du khách Pháp quan tâm tới giá cả và sự linh hoạt trong đặt chỗ. Nhiều người lựa chọn kỳ nghỉ “có chất lượng” đảm bảo khách được nghỉ ngơi hoàn toàn mà không liên hệ với công việc.

Mở cửa du lịch: Tập trung ‘hồi sức’ cho nền kinh tế xanh Việt Nam ảnh 2Du khách quốc tế thăm quan di tích Việt Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Du khách Pháp không muốn khám phá những điểm đến đông đúc, mà họ lựa chọn điểm đến vắng vẻ. 56% du khách tiết lộ rằng họ muốn “trải nghiệm đích thực các giá trị đại diện cho văn hóa của điểm đến.” Gắn liền với xu hướng tôn trọng điểm đến là tôn trọng môi trường và truyền thống của người dân địa phương.

Việt Nam là đất nước có cảnh quan tươi đẹp và truyền thống lịch sử, văn hóa, di sản phong phú. Du lịch an toàn, khám phá thiên nhiên, du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm, du lịch xanh… sẽ là những ưu tiên đem lại nhiều trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu của du khách.

Du lịch làm gì để phục hồi thành công?

- Như vậy rõ ràng Việt Nam có nhiều lợi thế để hấp dẫn du khách quốc tế. Tuy nhiên, sau hai năm “đóng băng,” du lịch Việt Nam đang cho thấy nhiều rào cản. Theo ông, chúng ta cần tháo gỡ những gì để phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ?

Ông Hoàng Nhân Chính: Tôi cho rằng ngành du lịch còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ nếu muốn thu hút khách trở lại, để có thể phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ, trước hết cần chính sách miễn thị thực.

Thái Lan đang miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia - 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philippines - 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước này đều ưu tiên áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế.

Trong khi đó, chúng ta vẫn giữ chính sách miễn thị thực "khiêm tốn" (trước khi dịch COVID-19 ập đến mới dừng lại ở con số 24), mà chủ yếu là miễn thị thực 15 ngày.

Mở cửa du lịch: Tập trung ‘hồi sức’ cho nền kinh tế xanh Việt Nam ảnh 3Thế giới hiện đang áp dụng hộ chiếu vaccine cho khách du lịch. (Ảnh: TTXVN)

Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho các thị trường du lịch quốc tế, có nhiều khách du lịch hơn đến Việt Nam cũng như chi tiêu bình quân cao hơn trong tour du lịch ở nước ta, TAB đề nghị kéo dài thời hạn tạm trú của công dân các nước này tại Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày đồng thời mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada và Thụy Sỹ.

Thứ hai, hiện chúng tôi chưa thấy nghiên cứu quan trọng nào được thực hiện để hiểu thị trường, để xác định ai sẽ triển khai và vì sao lại phải triển khai các chiến dịch tiếp thị hiệu quả và có mục tiêu; ai sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các chiến dịch này.

Vấn đề không phải là cứ mở cửa là khách sẽ tới. Khách tìm kiếm những trải nghiệm nào? Họ quan ngại điều gì và làm sao để tránh vấn đề đó? Lý do chính cho chuyến đi tới Việt Nam, chia theo từng phân khúc và thị trường là gì? Khách du lịch thuộc phân khúc thị trường mục tiêu của chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông nào và mua dịch vụ ở đâu? Phân khúc thị trường khách của chúng ta ưa thích điều gì khi đến Việt Nam và họ không thích điều gì? Khách muốn đi du lịch Việt Nam quan ngại những vấn đề gì?

Để đảm bảo tái mở cửa thành công, chúng ta cần phải hiểu rõ và giải quyết các vấn đề nêu trên.

- Vâng thưa ông, chúng ta từng nói đến rất nhiều việc mà ngành du lịch Việt cần phải làm nếu muốn phục hồi, nhưng nếu chỉ được chọn một việc cần kíp để ưu tiên thời điểm này, theo ông nên chọn gì và tại sao?

Ông Hoàng Nhân Chính: Theo tôi, Việt Nam cần công bố rộng rãi kế hoạch mở cửa với thế giới nói chung và đặc biệt là cho các thị trường trọng điểm của chúng ta. Do đó, cần tổ chức một cuộc họp báo quốc tế hoặc các cuộc phỏng vấn lần lượt với các hãng thông tấn quan trọng theo hình thức trực tuyến.

Mở cửa du lịch: Tập trung ‘hồi sức’ cho nền kinh tế xanh Việt Nam ảnh 4Du khách muốn trải nghiệm nhiều hơn văn hóa bản địa độc đáo hậu COVID-19. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Chúng ta cần phải đảm bảo rằng trang web vietnam.travel là cổng thông tin cung cấp tin tức cập nhật và chính xác nhất về du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi đề xuất sử dụng các nền tảng giao tiếp tương tác từ trang web này để chúng ta có thể sẵn sàng trả lời câu hỏi và tin nhắn từ các nhà báo và khách quốc tế.

Việc mở cửa du lịch Việt Nam có thể đòi hỏi nhiều bước thử và có thể sai song chúng ta cần đưa ra quyết định nhanh chóng. TAB đề nghị thành lập một Tổ công tác đặc biệt bao gồm lãnh đạo các bộ và các thành viên cấp cao trong ngành để họp bàn thường xuyên nhằm tránh những sai lầm nghiêm trọng và tránh giải quyết chậm trễ.

Kế hoạch cho du lịch “hồi sức”

Là chuyên gia gắn bó lâu năm với ngành du lịch, lại là Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn, theo ông các doanh nghiệp du lịch cần tập trung vào việc gì để sau thời điểm 15/3 có thể mau chóng “hồi sức”? Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ ra sao để các doanh nghiệp vận hành trơn tru?

Ông Hoàng Nhân Chính:

Đối với doanh nghiệp du lịch, TAB có bốn khuyến nghị:

Thứ nhất, du lịch vốn là ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ thì yếu tố nhân lực du lịch là quan trọng. Doanh nghiệp du lịch cần có kế hoạch giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, thực hiện đào tạo và đào tạo lại cho các nhân viên khi doanh nghiệp phục hồi kinh doanh du lịch.

Mở cửa du lịch: Tập trung ‘hồi sức’ cho nền kinh tế xanh Việt Nam ảnh 5Du lịch đang có nhiều tín hiệu phục hồi lạc quan. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hai, đánh giá, điều chỉnh và xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch ngắn ngày, theo gia đình và nhóm nhỏ, du lịch an toàn, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm theo các nguyên tắc phát triển bền vững. Lưu ý xây dựng những sản phẩm du lịch ngách.

Ba, tăng cường các biện pháp kiểm soát chi phí, sáng tạo mô hình kinh doanh mới (như kinh doanh trực tuyến), liên kết kinh doanh với các đối tác mới, nhất là liên kết giữa ngành lữ hành, lưu trú và vận chuyển để tạo ra các gói sản phẩm có giá phù hợp và tương xứng với chất lượng đồng thời đưa ra chính sách đặt chỗ linh hoạt, điều chỉnh giá hay hoãn hủy dịch vụ do dịch bệnh.

Bốn, cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Trước mắt ưu tiên chuyển đổi số cho việc đặt bán dịch vụ (trực tuyến, trực tiếp), kênh cung cấp thông tin và tiếp nhận ý kiến của du khách.

Đối với các cơ quan quản lý, TAB có hai khuyến nghị:

Một là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, công bố công khai, cập nhật thường xuyên kế hoạch này cho tất cả các bên cùng thực hiện. Các địa phương cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng của địa phương.

Mở cửa du lịch: Tập trung ‘hồi sức’ cho nền kinh tế xanh Việt Nam ảnh 6Những nụ cười của du khách quốc tế sẽ sớm trở lại với Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Quy định, hướng dẫn về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cần được cập nhật thường xuyên và được đăng tải trên các kênh chính thức để các doanh nghiệp, các tổ chức tham khảo và thực hiện.

Hai là, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giảm thiểu các thủ tục hành chính để bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động khi triển khai giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động nói chung, ngành du lịch nói riêng.

Ngành tài chính-ngân hàng cần đưa ra giải pháp chính sách về tín dụng, hỗ trợ miễn, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch trong và sau dịch bệnh, tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh.

Ưu tiên phát triển du lịch xanh và bền vững; tăng cường các biện pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục