Mối quan hệ phức tạp giữa Anh và EU qua 8 giai thoại lịch sử

Việc nước Anh rời khỏi EU vào đêm 31/1 vừa qua cũng là đỉnh điểm của một mối quan hệ đầy khúc mắc giữa Đảo quốc và châu Âu lục địa.
Mối quan hệ phức tạp giữa Anh và EU qua 8 giai thoại lịch sử ảnh 1Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chào mừng thời khắc 23 giờ GMT tối 31/1/2020, thời điểm Anh chính thức rời EU. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vào đêm 31/1, Vương quốc Anh chính thức tách khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt mối quan hệ kéo dài 47 năm.

Các cuộc đàm phán Brexit dài lê thê đã chỉ ra rằng mối quan hệ giữa người Anh với EU là rất phức tạp.

Việc nước Anh rời khỏi EU cũng là đỉnh điểm của một mối quan hệ đầy khúc mắc giữa Đảo quốc và châu Âu lục địa.

Báo Ouest France của Pháp có bài điểm lại mối duyên nợ giữa nước Anh với EU qua 8 thời điểm lịch sử.

1. Churchill muốn "Hợp chủng quốc châu Âu," nhưng không có người Anh

Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, Vương quốc Anh là một thành viên thuộc bên đã giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến tàn khốc và đẫm máu của lịch sử nhân loại.

Sự phản kháng của vị nguyên thủ nổi tiếng của nước Anh đối với chế độ Đức quốc xã đã mang lại cho ông uy tín to lớn.

[Anh: Chủ tịch đảng Brexit khiêu khích EU trong bài phát biểu cuối]

Nhà lãnh đạo Winston Churchill, đã bị thuyết phục từ kinh nghiệm của mình về Chiến tranh thế giới thứ hai rằng chỉ có một châu Âu thống nhất mới có thể đảm bảo được hòa bình.

Mục tiêu của việc này là đè bẹp một lần và toàn bộ những đam mê dân tộc chủ nghĩa và tính hiếu chiến trên đất châu Âu.

Người ta nhận thấy tầm nhìn này trong "bài phát biểu trước thanh niên sinh viên" tại Đại học Zurich năm 1946: có một phương thuốc... trong một vài năm, châu Âu... sẽ sống tự do và hạnh phúc.

Điều đó bao gồm việc tái lập một gia đình châu Âu, hoặc ít nhất là những gì có thể để xây dựng một gia đình châu Âu, sau đó là thiết lập một khuôn khổ theo cách mà nó có thể phát triển trong hòa bình, an ninh và tự do.

Chúng ta phải xây dựng một cái gì đó giống như Hợp chủng quốc châu Âu.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người Anh mong muốn hỗ trợ xây dựng một cấu trúc chính trị châu Âu có vị thế cao hơn họ.

Winston Churchill đã làm rõ suy nghĩ của mình bằng cách nói rằng các quốc gia châu Âu này chủ yếu liên quan đến lục địa chứ không phải là Vương quốc Anh. Do đó, nếu không có Vương quốc Anh, việc hội nhập châu Âu sẽ tiến lên.

2. "Cảm ơn Chúa, những gì bạn làm không có cơ hội tồn tại"

Khi 6 quốc gia châu Âu hình thành Cộng đồng than và thép (CECA) năm 1950 bắt tay vào xây dựng một thị trường chung, Vương quốc Anh về phần mình cũng nỗ lực kiến tạo một tổ chức cạnh tranh.

Vào thời điểm đàm phán để thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu vào năm 1957, người Anh đã tham gia vào các cuộc thảo luận và luôn đặt một người quan sát trong các cuộc đàm phán.

Jean-François Deniau, cựu thành viên của phái đoàn Pháp tham dự hội nghị liên chính phủ về thị trường chung và Euratom, vào năm 1997 đã kể lại một giai thoại rất điển hình về mối quan hệ của người Anh với châu Âu như sau: "Có một quan sát viên người Anh là một quan chức của Kho bạc. Trong sáu tháng, ông không nói gì và một ngày ông nói: ông chủ tịch, tôi là một công chức nghiêm túc, tôi sẽ không lãng phí tiền của chính phủ. Bây giờ, hiệp ước đang được thảo luận sẽ không có cơ hội được ký kết, và nếu được ký kết, nó cũng không có cơ hội được phê chuẩn ; và nếu được phê chuẩn, thậm chí nó không có cơ hội được áp dụng."

"Bên cạnh đó, điều này sẽ tốt đẹp hơn cho nước Anh, hiệp ước này chỉ toàn những điều khủng khiếp và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với chúng tôi. Cảm ơn chúa, những gì các ông làm ra khó có thể tồn tại. Cảm ơn, tạm biệt và chúc may mắn."

Cuối cùng, Hiệp ước Rome sau đó được ký kết vào ngày 25/3/1957 mà không có Vương quốc Anh.

3. Nỗ lực cạnh tranh với EEC mới ra đời

Bất chấp những gì mà các nhà quan sát nói vào thời điểm chuẩn bị Hiệp ước Rome, khi nhận thấy các cuộc đàm phán đang tiến triển theo tinh thần hội nhập châu Âu, London đưa ra một giải pháp thay thế cho Thị trường chung: một khu vực thương mại tự do ít hạn chế, và trên hết là không có mục tiêu cuối cùng là xây dựng một liên minh chính trị.

Do đó, ba năm sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), người Anh đã ra mắt Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), một khu vực thương mại tự do qui tụ được bảy quốc gia: Anh, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Áo và Thụy Điển.

Tuy nhiên, trước thành công kinh tế của Thị trường chung và nhu cầu Vương quốc Anh trong việc tiếp cận thị trường của các đối tác chính ở đó, người Anh lần đầu tiên gửi yêu cầu tham gia EEC vào năm 1961, trước sự lo lắng của các đối tác EFTA, những người không hiểu đầy đủ lý do tại sao thành viên chủ chốt của tổ chức mới này tìm cách rời đi ngay từ những ngày đầu tiên.

4. Khi Tướng de Gaulle nói "không" với Anh trong vấn đề gia nhập EEC

Các kế hoạch của Anh để tham gia EEC bị cản trở bởi một nguyên thủ nổi tiếng của nước Pháp, Tướng de Gaulle.

Ngày 14/1/1963, vị tướng, khi đó là tổng thống của Cộng hòa Pháp, đã phủ quyết việc đưa nước Anh vào EEC.

Ông cáo buộc người Anh muốn làm tê liệt một tổ chức mà họ không thể ngăn cản được, như ông đã giải thích trong một cuộc họp báo vào ngày 14/1/1963.

Tuy nhiên, sự từ chối này đánh dấu ý kiến của người Anh theo một trong những người sáng lập của dự án châu Âu, Jean Monnet: Không có nghi ngờ gì rằng người Anh bị tổn thương bởi sự từ chối liên tục của Tướng de Gaulle. Họ cảm thấy như chúng tôi không muốn họ. Họ cảm thấy bị sỉ nhục.

Tướng de Gaulle đưa ra quyền phủ quyết lần thứ hai vào ngày 27/11/1967, bất chấp các yêu cầu từ một số đối tác của Pháp trong EEC.

Với sự thất thế của Tướng de Gaulle và việc sắp lên nắm quyền ở Pháp của Georges Pompidou, người kế nhiệm của tướng de Gaulle, một người Pháp có quan điểm thân Anh, cuối cùng thì nước Pháp cũng chấp nhận một cách tốt đẹp việc Vương quốc Anh gia nhập EEC.

Trên thực tế, Paris cho rằng sự tham dự của người Anh sẽ giúp tạo ra sự cân bằng trước sức mạnh kinh tế nổi trội của Đức ở châu Âu.

5. Tấn công Thủ tướng bằng mực tại lễ ký gia nhập EEC

Như với các cuộc đàm phán Brexit gần 50 năm sau, câu hỏi về việc tham gia EEC cũng đã tạo ra những cuộc tranh luận quyết liệt tại Nghị viện ở London.

Các nhà báo Pháp tại thủ đô của Anh liên tục đưa tin về những cuộc thảo luận đến tận tối muộn và một bàn cờ chính trị hoàn toàn chia rẽ.

Trong một báo cáo ngày 28/10/1971, nhà báo Juliette Boisriveaud miêu tả một tình huống chính trị đầy bão tố và phức tạp: Đảng Bảo thủ, và do đó là chính phủ Anh, sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc nước này gia nhập EEC.

Cho đến khi Vương quốc Anh chính thức ký kết việc gia nhập, Thủ tướng Edward Heath đã phải đối mặt với các cuộc tấn công từ các đối thủ chống Âu châu của mình.

Do đó, khi ông đến Brussels để ký kết đưa Anh gia nhập, thông tin được phát trong rạp chiếu phim Gaumont đã mang lại một cảnh tượng đáng kinh ngạc vào ngày 22/1/1972: lễ ký ở Brussels nhằm mở rộng liên minh từ 6 nước châu Âu lên 10 nước (Na Uy khi đó là một ứng cử viên trước khi rút lại) đã tốn nhiều giấy mực và không chỉ theo nghĩa bóng.

Sự xuất hiện của Heath Lans đã bị hủy hoại bởi hành động của một nhiếp ảnh gia giả dạng đã ném một chai mực thật vào người vị Thủ tướng Anh.

Do đó buổi lễ kết nạp Vương quốc Anh vào châu Âu đã phải trì hoãn 55 phút, đủ thời gian để ông Heath có thể trở lại với tình trạng tốt nhất và chính thức ký vào hiệp ước lịch sử. Không ai có thể tưởng tượng một cảnh như vậy xảy ra hôm nay.

6. Cuộc trưng cầu dân ý... sau khi gia nhập

Vương quốc Anh chính thức gia nhập EEC vào ngày 1/1/1973. Nhưng mọi việc chưa dừng ở đó, vì chỉ 2 năm sau đó, người Anh đã lại tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của họ.

Thật vậy, cuộc bầu cử lập pháp đã được triệu tập vào năm 1974 bởi Edward Heath sau một cuộc đình công của các thợ mỏ.

Một trong những tuyên bố của phe đối lập Lao động trong chiến dịch là đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên để người dân Anh có thể giải quyết một vấn đề đã gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các giai cấp chính trị.

Sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/1974, chính phủ mới của Harold Wilson đã đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về việc giữ lại đất nước trong EEC.

Cuối cùng, vào ngày 5/6/1975, những người ủng hộ châu Âu đã chiến thắng với 67,2% phiếu bầu.

Lá phiếu đánh dấu chiến thắng quốc gia đầu tiên của người đứng đầu đảng Bảo thủ mới Margaret Thatcher, người lúc đó ủng hộ xây dựng châu Âu.

7. Nước Anh muốn lấy lại tiền của mình

Margaret Thatcher nhanh chóng rời khỏi "lớp trang phục" ủng hộ châu Âu. Bà lên nắm quyền vào năm 1979 để bảo vệ một chương trình cải cách thân hữu mới.

Đây cũng là năm đầu tiên Vương quốc Anh trở thành người đóng góp ròng cho ngân sách châu Âu, cụ thể là nước này đóng góp cho châu Âu nhiều hơn số mà họ nhận được.

Do đó, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một chính phủ ở châu Âu sẽ bắt đầu một chuyến công du tới các thủ đô châu Âu để phàn nàn về tình trạng trên vào tháng 11.

Vào ngày 26/11, vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu người Anh đã đưa ra đề nghị giảm một phần ba đóng góp của Đảo quốc, nhưng gợi ý này vẫn không được Margaret Thatcher chấp nhận.

Và ở cùng thời điểm, nữ Thủ tướng nổi tiếng cứng rắn của nước Anh đã đưa ra một công thức cho việc xây dựng châu Âu vào cuối Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra tại Dublin, Ireland.

Margaret Thatcher, khi trả lời báo chí, những người đã chất vấn bà về sự thất bại của các cuộc đàm phán ngân sách vào thời điểm trên, đã nói "Điều tôi muốn rất đơn giản, đó là ai đó hãy trả lại tiền tôi cho tôi."

Mối quan hệ phức tạp giữa Anh và EU qua 8 giai thoại lịch sử ảnh 2Xe tải rời khỏi cảng Dover thuộc Anh ngày 1/2/2020, một ngày sau khi London chính thức rời khỏi EU. (Nguồn: THX/TTXVN)

8. Không muốn thấy Đức thống nhất nhưng lại ủng hộ EU Đông tiến

Người Anh là kiến trúc sư chính của công cuộc mở rộng năm 2004, với 10 quốc gia gia nhập EU, chủ yếu đến từ Trung và Đông Âu.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra tại các thủ đô Tây Âu, giữa những người ủng hộ việc tiếp đón ngay lập tức các quốc gia ở phía Đông lục địa và những người muốn chờ đợi cho đến khi nền kinh tế lạc hậu của họ bắt kịp với phần còn lại.

Lập luận chính của những người ủng hộ quan điểm chờ đợi là trước tiên các nước Đông Âu cần hội nhập về chính trị nhiều hơn.

Nhưng người Anh đã làm mọi cách để thuyết phục các đối tác của họ rằng thời điểm lịch sử này không nên bỏ qua để đoàn tụ đại gia đình châu Âu, bị ngăn cách bởi bức màn sắt giữa Tây Âu và Liên Xô.

Nhưng cũng cần nhắc tới một luồng quan điểm khác của không ít quan chức ngoại giao Anh, đó là mong muốn ngăn việc hội nhập diễn ra quá vội vàng vì cho rằng không thể đạt được thỏa thuận về một dự án chính trị cho toàn bộ 25 quốc gia thành viên (và thậm chí là nhiều hơn).

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhắc rằng chính Margaret Thatcher đã phản đối việc thống nhất nước Đức năm 1990, vì sợ một nước Đức quá mạnh ... Vào thời điểm đó, "Người đàn bà thép" đã đưa lý do rằng Cộng hòa Dân chủ Đức cần phải được dân chủ hóa trước đã./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục