Mỹ nêu điều kiện tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân đến năm 2026

Quan chức giấu tên Mỹ cho biết Washington sẽ đề nghị tuân thủ các giới hạn về vũ khí hạt nhân được đặt ra trong New START cho đến khi hết hạn vào năm 2026, "nếu Nga cũng thực hiện hành động tương tự."
Mỹ nêu điều kiện tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân đến năm 2026 ảnh 1Máy bay ném bom chiến lược B-52H (giữa), chiến đấu cơ F-22 và máy bay vận tải C-17 của Mỹ tham gia cuộc tập trận không quân chung với Hàn Quốc, ngày 20/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Washington sẽ đề nghị tuân thủ các giới hạn về vũ khí hạt nhân được đặt ra trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) cho đến khi hết hạn vào năm 2026, nếu Nga cũng thực hiện hành động tương tự - hai quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết.

Theo Reuters, hai quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ yêu cầu giấu tên ngày 2/6 cho hay Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan sẽ đưa ra đề nghị này trong bài phát biểu trước Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Mỹ.

Nguồn tin cho biết ông Sullivan sẽ tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán một cách vô điều kiện với Nga về quản lý các nguy cơ hạt nhân, trong đó có khả năng thay thế New START bằng một hiệp ước mới.

Ông Sullivan cũng sẽ tái khẳng định Mỹ sẵn sàng khởi động đối thoại giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc - quốc gia đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân, mặc dù cho đến nay Bắc Kinh vẫn bác bỏ lời đề nghị này, trong bối cảnh căng thẳng với Washington ngày càng sâu sắc.

“Khi các mối quan hệ chính trị ở mức thấp, khi căng thẳng lên cao, chúng tôi thấy rằng nhiệm vụ kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro hạt nhân là quan trọng nhất và chúng tôi thấy mình đang ở trong thời điểm đó” - một quan chức Mỹ chia sẻ.

Trước đó, hôm 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước này.

Ông Putin nhấn mạnh trước khi quay lại thảo luận về vấn đề tiếp tục tuân thủ hiệp ước, Nga cần phải biết New START sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà của cả các cường quốc hạt nhân khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Anh và Pháp như thế nào.

[Đại sứ quán Nga bác cáo buộc của Mỹ về vi phạm hiệp ước New START]

Theo Hiệp ước New START, được Nga và Mỹ ký năm 2010, Moskva và Washington có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí, định kỳ sáu tháng một lần.

Hai bên cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống còn không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SLBM), máy bay ném bom hạng nặng (TB).

Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước thêm 5 năm vào tháng 2/2021.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ ngày 1/6 cho rằng những tuyên bố của Washington về việc Moskva không tuân thủ New START không liên quan tới những lý do thực sự đằng sau cuộc khủng hoảng hiện nay xung quanh thỏa thuận này.

Đại sứ quán Nga khẳng định Nga đã giải thích đầy đủ về mặt pháp lý đối với quyết định đình chỉ tham gia New START và "điều này hoàn toàn phù hợp với Công ước Vienna về Luật điều ước quốc tế năm 1969."

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 19/5, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện Nga và Mỹ “không có các mối liên hệ thực chất” về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược.

Bình luận về dự luật rút khỏi New START được đưa ra Quốc hội Mỹ, Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ chủ đề kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược là cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Nga và Mỹ mà còn đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, “Moskva lấy làm tiếc vì không có các kênh tiếp xúc nghiêm túc, thực chất về vấn đề này giữa hai nước” - theo hãng thông tấn TASS.

Mỹ nêu điều kiện tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân đến năm 2026 ảnh 2Một loại tên lửa của Nga tại Kubinka, ngoại ô Moskva. (Ảnh: AP/TTXVN)

Hồi cuối tháng Tư, quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva thấy cần phải bình ổn quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân và không từ chối khả năng đạt được các hiệp ước an ninh mới với phương Tây trong tương lai.

Trả lời TASS, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí-Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov khẳng định cấu trúc an ninh quốc tế “không nên chỉ là lời nói suông, mà thay vào đó, các bên cần cân nhắc lợi ích cơ bản của nhau.”

Theo ông Yermakov, trước hết cần ổn định quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân - là các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - và gánh trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu.

Ông Yermakov cho rằng nếu Mỹ và các đồng minh sẵn sàng cho một cam kết như vậy, sẽ có cơ hội cho những thỏa thuận mới và khả thi trong các lĩnh vực ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí. “Nga không bao giờ từ bỏ khả năng như vậy trong tương lai” - ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục