Mỹ: Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại tại nhiều khu vực

Trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận 28.600 ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm lần gần đây nhất là hơn 800.000 ca/ngày trong tháng 1 vừa qua.
Mỹ: Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại tại nhiều khu vực ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng chống dịch. (Nguồn: Reuters)

Giới chức Mỹ ngày 24/3 cho biết dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều khu vực ở Đông Bắc nước này trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang là biến thể chủ đạo gây dịch bệnh tại nước này.

Hiện các quan chức Mỹ đang hối thúc Quốc hội thông qua nguồn kinh phí mới cho công tác phòng ngừa và điều trị COVID-19. 

Hiện tại, trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận 28.600 ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm lần gần đây nhất là hơn 800.000 ca/ngày trong tháng 1 vừa qua. Số ca tử vong hiện ở mức trung bình khoảng 900 ca/ngày. 

Tuy nhiên, hãng tin AFP dẫn phát biểu của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, bà Rochelle Walensky, cho biết đã có những dấu hiệu ban đầu của một làn sóng dịch mới.

Bang New York cũng như thành phố New York đã ghi nhận số ca mắc mới gia tăng, dù vẫn ở mức thấp.

[Chuyên gia: Mỹ không nên chủ quan với nguy cơ làn sóng COVID-19 mới]

Khu vực New England thông báo số ca nhập viện vì COVID-19 tăng và đây là địa phương ghi nhận biến thể phụ BA.2 gây ra 50% trong tổng số ca mắc.

Kết quả phân tích nước thải - một biện pháp cảnh báo sớm về tình hình dịch bệnh - cũng cho thấy sự gia tăng nhỏ lượng virus SARS-CoV-2 tại một số cộng đồng.

Theo các nhà khoa học, BA.2 dường như không gây bệnh nặng hơn so với biến thể Omicron ban đầu cũng như dòng phụ BA.1 của biến thể này, nhưng dễ lây lan hơn.

Số ca nhiễm BA.2 hiện chiếm 35% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ và nhiều khả năng đây sẽ sớm trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ tuần qua từ chối bổ sung 22,5 tỷ USD cho ngân sách tăng cường ứng phó, kiểm soát dịch bệnh về lâu dài và chuẩn bị cho tình huống xuất hiện biến thể mới cũng như số ca nhiễm tăng trở lại.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Xavier Becerra cho biết trong giai đoạn này, các nguồn lực đã cạn kiệt, nguồn quỹ mà Quốc hội thành lập để chi cho các bác sỹ và nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ, đặc biệt là những người không có bảo hiểm, đã không còn chấp nhận xét duyệt các yêu cầu thanh toán mới cho các dịch vụ xét nghiệm hoặc điều trị kể từ ngày 23/3.

Bộ trưởng Xavier Becerra cho biết thêm vào khoảng ngày 5/4, nhiều khả năng sẽ không còn tiền để trang trải cho các yêu cầu thanh toán y tế mới.

Kinh phí cho việc điều trị bằng phương pháp kháng thể đơn dòng ở các bang cũng đã bị cắt giảm 35% và nguồn lực thực hiện phương pháp điều trị này dự kiến cạn kiệt vào tháng 5.

Điều phối viên về ứng phó với dịch COVID-19 của Nhà Trắng, ông Jeff Zient, cho biết nước này hiện có đủ nguồn cung vaccine để tiêm mũi thứ 4 cho những người miễn dịch kém và có thể cho cả người cao tuổi, nếu được phê duyệt trong những tuần tới.

Tuy nhiên, nếu giới khoa học nhận định cần tiêm mũi tăng cường này cho người dân vào cuối năm nay thì nguồn cung vaccine sẽ không được đảm bảo. 

Ông Zient kêu gọi Quốc hội cân nhắc và đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm tăng cường các nỗ lực phòng dịch, từ đó hạn chế nguy cơ có thêm nhiều người tử vong vì COVID-19.

Cũng liên quan vấn đề này, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Giám đốc điều hành Hiệp hội Phòng thí nghiệm y tế cộng đồng Mỹ, Scott Becker, cảnh báo nước Mỹ có thể một lần nữa đối mặt với nguy cơ thiếu các bộ xét nghiệm COVID-19 nếu Quốc hội không thông qua dự luật cấp ngân sách chống đại dịch và nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát nghiêm trọng hơn.

Tờ Politico dẫn lời chuyên gia Scott Becker cho rằng Mỹ lặp lại những sai lầm tương tự hồi mùa Hè năm ngoái, khi nhu cầu xét nghiệm giảm mạnh và các nhà sản xuất bộ xét nghiệm thu hẹp quy mô hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục