Theo Reuters, ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington tin rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nhiều để gia tăng sức ép lên Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Bắc Kinh kiềm chế các hoạt động của Bình Nhưỡng.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng nói rằng Washington nhận thấy không có sự liên quan giữa chương trình vũ khí của Triều Tiên và các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Bởi vậy, Mỹ phản đối kế hoạch của Nga - Trung kêu gọi cả hai bên ngừng các hành động của mình.
Trong khi đó, kênh truyền hình CNN đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 6/7 khẳng định tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên phóng thử hôm 4/7 không đưa các bên tiến gần hơn tới một cuộc chiến, và các nỗ lực của Washington nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này tiếp tục được dẫn đầu bởi các biện pháp ngoại giao và kinh tế.
[Quân đội Hàn Quốc, Mỹ cảnh cáo Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa]
Cùng ngày, phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết, nước này, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí thúc đẩy Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Sau khi diễn ra cuộc gặp kéo dài 75 phút giữa lãnh đạo của 3 quốc gia nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norio Maruyama khẳng định: "Triều Tiên giờ đây đã tạo ra mối đe dọa ở cấp độ mới đối với Nhật Bản và là một sự khiêu khích rõ rệt đối với Tokyo cũng như cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại rất sâu sắc về chủ đề này và vai trò của Trung Quốc là rất quan trọng." Ông Maruyama đồng thời cho biết thêm Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ các công ty Trung Quốc mà Tokyo tình nghi liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu các bên có thảo luận hành động quân sự nào hay không, ông Maruyama cho hay: "Không có cuộc thảo luận nào về các biện pháp khác mà chúng tôi có thể tiến hành"./.