Mỹ trừng phạt nhiều quan chức của Cộng hòa Trung Phi

Chính quyền Mỹ đã quyết định trừng phạt cựu Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Francois Bozize và 4 nhân vật khác liên quan đến tình trạng bạo lực.
Mỹ trừng phạt nhiều quan chức của Cộng hòa Trung Phi ảnh 1Cựu Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Francois Bozize. (Nguồn: AP)

Tiếp sau các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định trừng phạt cựu Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Francois Bozize và 4 nhân vật khác liên quan đến tình trạng bạo lực và vi phạm nhân quyền tại quốc gia châu Phi này.

Tuyên bố ngày 13/5 của Nhà Trắng nêu rõ quyết định trên gửi đi "một thông điệp mạnh mẽ rằng những đối tượng đe dọa bất ổn ở Cộng hòa Trung Phi sẽ phải gánh chịu hậu quả," khẳng định cam kết của Washington trong hợp tác với cộng đồng thế giới, các đối tác khu vực và chính quyền chuyển tiếp tại Cộng hòa Trung Phi nhằm khôi phục sự ổn định tại quốc gia này.

Ngoài cựu Tổng thống Bozize, bốn nhân vật còn lại chịu các biện pháp trừng phạt phong tỏa tài sản và cấm đi lại của Washington bao gồm thủ lĩnh tổ chức dân quân Levy Yakete, cựu Tổng thống tạm quyền - thủ lĩnh liên minh phiến quân Seleka Michel Djotodia, cựu Bộ trưởng An ninh - nhân vật số hai của Seleka - Nourredine Adam, và Abdoulaye Miskine, thành viên của Seleka.

Trước đó, ngày 9/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt tương tự với ba trong số 5 đối tượng trên bao gồm cựu Tổng thống Francois Bozize, thủ lĩnh dân quân Yakete và cựu Bộ trưởng An ninh Adam với những cáo buộc hậu thuẫn các tay súng, kích động bạo lực, mâu thuẫn sắc tộc và gây bất ổn tình hình đất nước; bắt giữ, ngược đãi và sát hại người vô tội.

Cộng hòa Trung Phi chìm trong bạo lực gần một năm qua kể từ khi phiến quân Seleka lật đổ chính phủ hồi tháng 3/2013 và đưa chỉ huy lực lượng này Djotodia lên làm Tổng thống lâm thời. Tuy nhiên, ông Djotodia đã phải từ chức do không thể kiềm chế làn sóng tàn sát và cướp bóc do các tay súng lực lượng Hồi giáo Seleka cũ tiến hành nhằm vào người Cơ đốc giáo. Trong khi đó, các binh sỹ Chad, bị cáo buộc là cùng phe với phiến quân Seleka do đều là người Hồi giáo, cũng đã xung đột với lực lượng dân phòng người Cơ đốc giáo.

Bạo lực vẫn không giảm bất chấp sự hiện diện một lực lượng đông đảo các binh sỹ gìn giữ hòa bình của châu Phi và Pháp.

Theo ước tính của Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ, khoảng 1/4 dân số Cộng hòa Trung Phi đã phải rời bỏ nhà cửa do lo ngại tình trạng tàn sát và thiếu lương thực, trong khi ít nhất 2 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.

Tháng Tư vừa qua, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi với nhân sự lên tới 12.000 người nhằm hỗ trợ chính phủ nước này giải quyết cuộc xung đột sắc tộc giáo phái bùng phát thời gian qua, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục