Nâng cao ý thức rửa tay với xà phòng trong các trường học

Người dân cần vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh cho trẻ, sau khi chăm sóc trẻ mắc bệnh... để phòng ngừa bệnh.
Nâng cao ý thức rửa tay với xà phòng trong các trường học ảnh 1Các em học sinh thực hành rửa tay với xà phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vệ sinh tay là một việc làm đơn giản nhưng có thể giúp phòng nhiều loại bệnh hiệu quả. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh giáo dục về rửa tay với xà phòng trong các trường học nhằm tạo thói quen rửa tay với xà phòng cho các em học sinh ngay từ nhỏ.

Đó là thông điệp được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra tại buổi lễ míttinh hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2019 với chủ đề “Rửa tay với xà phòng - Cùng hành hộng vì sức khoẻ Việt Nam,” do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp cùng với Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Quỹ Unilever tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội.

[20 mô hình bệnh viện triển khai an toàn vệ sinh lao động toàn diện]

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh để bảo vệ sức khỏe của người dân, cần đảm bảo tất cả mọi người kể cả người già, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc được đề cập đến trong mọi chính sách, chương trình, hoạt động thúc đẩy rửa tay với xà phòng.

Nâng cao ý thức rửa tay với xà phòng trong các trường học ảnh 2Hàng nghìn học sinh biểu diễn vũ điệu rửa tay với xà phòng. (Ảnh: pv/Vietnam+)

Các đơn vị cần xây dựng và ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn về xây dựng, bảo quản các công trình, điểm rửa tay với xà phòng đảm bảo mọi người được tiếp cận và dễ dàng sử dụng, phù hợp cho từng đối tượng khác nhau.

Các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, cơ sở y tế, trường học, những nơi công cộng có các công trình, điểm rửa tay có đủ nước sạch, xà phòng hay chất tẩy rửa phù hợp, dễ dàng tiếp cận để sử dụng và phù hợp với mọi đối tượng.

Ông Ngô Văn Quý-Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội cũng kêu gọi toàn thể các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tại các trường học, tại các hộ gia đình có trẻ nhỏ tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh như: ăn chín, uống sôi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, người dân cần vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh cho trẻ, sau khi chăm sóc trẻ mắc bệnh; làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ em bằng nước xà phòng, hoá chất khử khuẩn thông thường...

Nâng cao ý thức rửa tay với xà phòng trong các trường học ảnh 3Các đại biểu cam kết in dấu tay, thực hành rửa tay với xà phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi míttinh, các đại biểu cùng học sinh, sinh viên đã thực hiện nghi thức cam kết in dấu tay, thực hành rửa tay với xà phòng hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng và chứng kiến màn đồng diễn vũ điệu rửa tay với xà phòng của học sinh, sinh viên.

Ngày thế giới rửa tay với xà phòng (15/10) hàng năm với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng, cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và nằm trong khả năng của tất cả mọi người. Mỗi năm có khoảng 100 quốc gia tổ chức phát động và khoảng 200 triệu người tham gia.

Tại Việt Nam, từ năm 2008, hàng năm Bộ Y tế đã phối hợp cùng các bộ, ban ngành, đoàn thể tổ chức mít tinh, truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục