Ngành xây dựng sẽ sớm hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia

Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch hành động của ngành, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, phát huy vai trò các đô thị lớn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Ngành xây dựng sẽ sớm hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN phát)

Triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch hành động của ngành, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, phát huy vai trò các đô thị lớn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng hợp phần quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và hướng dẫn các địa phương xây dựng hợp phần quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tỉnh.

Cùng đó, Bộ sẽ hoàn thành Đề án Đổi mới phương pháp luận về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị; bổ sung quy định về quản lý quy hoạch điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phát triển đô thị và kiến trúc.

[Bất cập trong xử phạt vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM]

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ; rà soát ban hành quy định kiểm soát về quy hoạch xây dựng đối với công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Kiến trúc và nghị định, thông tư hướng dẫn; đồng thời, hoàn thành định hướng kiến trúc Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc, quản lý cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương về lập, điều chỉnh nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo Luật Quy hoạch và tăng cường kiểm soát, quản lý xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch; đẩy mạnh quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, nhất là quy hoạch không gian ngầm ở các thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị Nghị quyết về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng và trình duyệt Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Hiện quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cũng sẽ được tăng cường theo hướng kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng đô thị sau khi đã được công nhận xếp loại hoặc hình thành đơn vị hành chính mới, mở rộng; gắn kết kế hoạch, chương trình phát triển đô thị, thị trường nhà ở, thị trường bất động sản với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội , kế hoạch đầu tư hàng năm ở các địa phương.

Chương trình hành động của ngành xây dựng thực hiện Nghị quyết 01 cũng nêu rõ một số chương trình mục tiêu sẽ được triển khai theo đúng lộ trình và có hiệu quả.

Cụ thể là kế hoạch phát triển, nâng cấp đô thị quốc gia; phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2016-2025; định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục