Ngày hội tri ân mẹ cha sẽ sớm trở thành hoạt động thường niên của Festival Huế

“Trải nghiệm Tết Trung Thu truyền thống Huế” sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trở thành hoạt động thường niên gắn với du lịch và văn hóa truyền thống Huế trong khuôn khổ Festival Huế các năm tới.

Chương trình quảng bá nét đẹp văn hóa về Tết Trung Thu cổ truyền của Huế với chủ đề ‘Bách thiện hiếu vi tiên.’ (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chương trình quảng bá nét đẹp văn hóa về Tết Trung Thu cổ truyền của Huế với chủ đề ‘Bách thiện hiếu vi tiên.’ (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chương trình “Trải nghiệm Tết Trung Thu truyền thống Huế” vừa diễn ra tối 8/9 tại Bia Quốc học, thành phố Huế, nhằm giới thiệu nét đặc trưng và nguồn gốc của hoạt động múa Lân trong mùa Tết Trung Thu cổ truyền xứ Huế đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa đời sống tinh thần, gìn giữ truyền thống hiếu kính ông bà, cha mẹ trong các gia đình Việt Nam.

Ngày hội tri ân mẹ cha...

Chương trình “Trải nghiệm Tết Trung Thu truyền thống Huế” cũng là hoạt động của chuỗi sự kiện diễn ra trong bốn mùa của Festival Huế 2024, hưởng ứng Lễ hội mùa Thu “Huế vào Thu” của Festival Huế 2024, do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Tạp chí Vietnam Travel và các đơn vị đồng hành tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Hiếu đạo, biết ơn cha mẹ, phụng dưỡng song thân vốn là truyền thống lâu đời của người Việt Nam nói chung và người dân Huế nói riêng. Huế là một trong những địa phương mang nặng ‘phù sa văn hóa,’ người dân sống nghĩa tình và biết ơn. Chính vì thế, trong ngày Tết đoàn viên năm nay, ban tổ chức lấy chủ đề ‘Bách thiện hiếu vi tiên.’”

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, chương trình nhằm tạo không gian đoàn viên, sum họp ấm áp vốn có nhưng có thêm tiết mục tri ân cha mẹ cho các em học sinh. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm giáo dục truyền thống của dân tộc.

“Việc ‘mang trăng rằm tới mái ấm’ này không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn giúp các em được trải nghiệm một Tết Trung Thu truyền thống ấm áp, thân tình,” Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Trong khi đó, ông Phạm Trung Hiệu (thầy Huyền Tích) thủ nhang Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn và Cô Bé Thượng (Sóc Sơn, Hà Nội), chuyên gia văn hóa-tín ngưỡng đạo Mẫu cho rằng xuyên suốt quá trình phát triển đất nước, hiếu đạo luôn là một khái niệm để xã hội bình xét con người. Đạo hiếu xuất phát từ cái tâm biết lo lắng, biết kính ơn những người sinh thành, ban cho mình cơ thể và dạy bảo mình trí tuệ.

z5810325586671_02e51efe94970fbc589aad4dc9968cfe.jpg
Hình ảnh người dân tham gia chương trình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Lịch sử dành riêng cho sự ‘hiếu’ một vị trí quan trọng. Thông qua ‘hiếu đạo,’ con người Việt Nam nói chung và người Huế nghĩa tình nói riêng mới có thể làm sáng các giá trị văn hóa, mà nổi bật nhất là ‘uống nước nhớ nguồn,’ ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây.’ Cũng vì thế chủ đề ‘Bách thiện hiếu vi tiên’ có ý nghĩa là trong hàng trăm cái hạnh tốt đẹp thì hạnh hiếu đứng đầu,” ông Phạm Trung Hiệu nhấn mạnh.

Chia sẻ cảm xúc khi tham dự chương trình “Trải nghiệm Tết Trung Thu truyền thống Huế” vừa diễn ra tối qua, chuyên gia văn hóa-tín ngưỡng đạo Mẫu Phạm Trung Hiệu cho biết: “Thật hạnh phúc khi ngay tại thành phố Huế hôm nay chúng ta được chứng kiến hàng trăm người con hiếu thảo tề tựu về đây, sẵn sàng tri ân cha mẹ, gửi đến đấng sinh thành lời chúc, lời cảm ơn hay cũng có thể là lời xin lỗi từ tận đáy lòng.”

Theo ông Phạm Trung Hiệu, mỗi người sẽ có một cách để thể hiện tấm lòng biết ơn riêng, nhưng thể hiện ra sao, thế nào trước mặt đại chúng cần một trái tim dũng cảm. Dũng cảm để thừa nhận, dũng cảm để tri ân đôi khi còn khó khăn hơn so với tưởng tượng. Vì trong tâm khảm chúng ta, không phải lúc nào cũng có thể đối diện với phụ mẫu để nói thật tấm lòng, thổ lộ cảm xúc hay mong được mẹ cha thông cảm.

... sẽ là hoạt động thường niên của Festival Huế

Chương trình “Trải nghiệm Tết trung thu truyền thống Huế” gồm các hoạt động như giới thiệu và trưng bày về lân, liên hoan giao lưu múa lân của các đoàn lân trong và ngoài tỉnh, chương trình phá cỗ trung thu cho các em nhỏ.

z5810325586695_da9fb2ff14d57b9ea25f429e197623ec.jpg
Ngày hội tri ân mẹ cha sẽ sớm trở thành hoạt động thường niên trong khuôn khổ Festival Huế các năm tới. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, chương trình Trung Thu năm nay lần đầu tiên tổ chức hoạt động tri ân cha mẹ dựa theo nét truyền thống “Bách thiện Hiếu vi tiên” (Trăm việc thiện việc hiếu đứng đầu) của người Việt Nam. Từ xưa, cha ông ta luôn coi trọng chữ hiếu, gìn giữ văn hóa hiếu thảo với mẹ cha. Hoạt động này có sự tham gia của hơn 300 gia đình. Ngay tại sự kiện, các em nhỏ đã dâng hoa và gửi lời tri ân đầy cảm xúc tới cha mẹ mình.

Ngoài ra, ban tổ chức còn có hoạt động thăm và tặng quà cho các em thiếu nhi tại một số trung tâm bảo trợ trên địa bàn thành phố Huế nhằm chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và mang đến niềm vui cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh thiệt thòi trong đêm hội Trăng rằm.

Chương trình “Trải nghiệm Tết Trung Thu truyền thống Huế” năm nay là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa về Tết Trung Thu cổ truyền của Huế nói riêng, Việt Nam nói chung đồng thời góp phần giúp mỗi người hiểu sâu sắc hơn về đạo làm con, chữ hiếu với cha mẹ, sự đồng cảm, chia sẻ yêu thương trong cộng đồng.

Ban tổ chức cho biết chương trình này sẽ tiếp tục được hoàn thiện dần để trở thành hoạt động thường niên gắn với du lịch và văn hóa truyền thống Huế nằm trong khuôn khổ Festival Huế trong các năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục