Người dân Nam Phi diễu hành kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 4/10, hàng nghìn người dân Nam Phi đã tham gia vào sự kiện diễu hành trên toàn cầu nhằm nâng cao hiểu biết về việc bảo vệ các loài voi, tê giác và sư tử.
Người dân Nam Phi diễu hành kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã ảnh 1 Tê giác tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Tê giác và Sư tử ở Krugersdorp, phía bắc Johannesburg (Nam Phi). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/10, hàng nghìn người dân Nam Phi tại 18 thành phố đã tham gia vào sự kiện diễu hành trên toàn cầu nhằm nâng cao hiểu biết về việc bảo vệ các loài voi, tê giác và sư tử.

Bộ trưởng Các vấn đề môi trường Nam Phi Edna Molewa đã dẫn đầu đoàn diễu hành tại thủ đô Pretoria.

Bà Molewa kêu gọi người dân và đặc biệt là những cộng đồng xung quanh khu vực tê giác sinh sống tham gia vào cuộc chiến chống nạn săn bắt động vật hoang dã.

Ngoài Nam Phi, 36 quốc gia khác tại châu Phi và 134 nước trên thế giới cũng tham gia vào sự kiện "Diễu hành toàn cầu vì loài voi, tê giác và sư tử" này.

Nhà hoạt động Dex Kotze, nhà tổ chức sự kiện diễu hành tại Nam Phi cho biết sự kiện này đặc biệt nhằm vào 19 quốc gia bị liệt vào "danh sách đen" bởi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng của Liên hợp quốc.

Đây là những nước bị cho là chưa có những biện pháp mạnh mẽ chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Cuộc diễu hành gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới những quốc gia này rằng cần phải có sự thay đổi luật pháp để có thể áp đặt chế tài trừng phạt nghiêm khắc các hành động buôn lậu động vật hoang dã.

Theo ông Kotze, Chính phủ Nam Phi sẽ sửa đổi điều luật liên quan đến nạn sắn bắt tê giác và voi nhằm thực thi những biện pháp trừng phạt cứng rắn, trong đó có từ chối bảo lãnh cho những đối tượng tham gia vào buôn lậu động vật hoang dã.

Nam Phi, nơi sinh sống của hơn 80% tê giác trên thế giới, chịu thiệt hại nặng nề của nạn săn bắt trộm động vật hoang dã. Kể từ đầu năm đến nay, đã có 787 con tê giác biến mất mà chủ yếu ở Công viên Quốc gia Kruger.

Năm ngoái, đã có 1.004 con tê giác bị săn bắt tại Nam Phi. Ước tính, Nam Phi sẽ mất khoảng 1.200 đến 1.300 con tê giác trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục