Người dân Nam Sơn ‘ăn sương nằm đất’ chặn xe rác, ‘đòi’ được di dời

Đến nay, sau nhiều năm chật vật đấu tranh để được rời khỏi bãi rác lớn nhất Thủ đô, người dân Nam Sơn đã 5 lần tổ chức chặn xe vận chuyển rác, khiến nhiều tuyến đường ở nội thành Hà Nội ngập rác.
Người dân Nam Sơn ‘ăn sương nằm đất’ chặn xe rác, ‘đòi’ được di dời ảnh 1Người dân dựng lều bạt ăn, ngủ, ngăn chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau 5 ngày “phong tỏa” đường vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn, chiều nay, 5/7, một số người đại diện cho hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực bãi rác lớn nhất Hà Nội vẫn bám “chốt chặn” đòi quyền lợi, mong sớm được di dời ra khỏi vùng ô nhiễm, ngập ngụa ruồi muỗi. Hàng ngàn tấn rác tồn đọng, ùn ứ tại các khu vực nội thành và các huyện lân cận vẫn chưa được “giải cứu.”

Gần 20 năm "sống chung" với ô nhiễm

Sau gần 20 năm bị “bao vây” bởi núi rác cao hàng chục mét, ngập ngụa mùi hôi thối và ruồi nhặng, vùng nông thôn trù phú Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã trở thành điểm nóng ô nhiễm, khiến bất cứ người dân nào ở xung quanh cũng phải kêu than.

Nam Sơn là một trong ba xã của huyện Sóc Sơn (cùng với Hồng Kỳ và Bắc Sơn) chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ hoạt động của bãi rác Nam Sơn (vận hành từ năm 1999 đến nay). Mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 tấn rác được tập kết tại đây, bốc mùi hôi thối đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh.

Dù rằng, thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m của bãi rác. Vậy nhưng, mỗi lần gặp những vấn đề vướng mắc kéo dài, bần cùng, người dân lại phải dựng lều lán, ăn trực nằm chờ không cho xe rác vào khu vực này để mong chính quyền lắng nghe, giải quyết.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Nguyễn Thị Hợp, người dân thôn Liên Xuân, xã Nam Sơn cho biết, bà và người dân trên địa bàn đã quá mệt mỏi với việc đêm hôm ra đường ăn sương nằm đất để “đòi” quyền lợi, cầu mong chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra phương án di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm.

“Hồi trước, khi chưa có bãi rác, cuộc sống nơi đây rất yên bình, thoáng đãng. Nhưng từ khi công trình đi vào vận hành, nằm trên đất của dân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe, nhưng phương án giải quyết không thỏa đáng thì làm sao chúng tôi chấp nhận được,” bà Hợp thở dài nói.

Bà Hợp cũng cho biết, sau nhiều năm bị ảnh hưởng, đầu năm 2019, vì không thể chịu cảnh sống chung với ô nhiễm kéo dài, ruồi nhặng tấn công, hàng trăm người dân trên địa bàn đã tụ tập bên ngoài bãi rác Nam Sơn. Họ dựng lều bạt, phong tỏa lối vào bãi rác để yêu cầu chính quyền xử lý rốt ráo tình trạng ô nhiễm.

[Dân chặn xe vào bãi Nam Sơn, rác thải tràn lan khắp Hà Nội]

Cùng thời điểm đó, chính quyền huyện Sóc Sơn cũng “trắng đêm” vận động người dân dỡ bỏ lều bạt, mở đường vào bãi rác. Tuy nhiên, cũng như những lần trước đó, người dân Nam Sơn cho rằng chính quyền cấp huyện không giải quyết được vấn đề mang tầm thành phố nên kiên quyết chờ đợi lãnh đạo thành phố về đối thoại.

Chính quyền thành phố Hà Nội cũng thấy việc di dời người dân ra xa bãi rác là giải pháp tất yếu. Điều này được cụ thể hóa bằng việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung về địa phương năm 2016 và tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc di dời, tái định cư cho các hộ dân trong vòng bán kính 500 m quanh bãi rác…

“Nhưng tất cả vẫn lặp đi lặp lại cho tới bây giờ. Lần này, cũng chỉ vì, chính quyền hẹn quý 1, nhưng sang quý 2 vẫn không giải quyết cho chúng tôi, nên sang quý 3 chúng tôi phải chặn xe rác,” bà Hợp bức xúc nói.

Người dân Nam Sơn ‘ăn sương nằm đất’ chặn xe rác, ‘đòi’ được di dời ảnh 2Nhiều tuyến đường ở nội thành Hà Nội ngập ngụa rác thải do người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Năm lần chặn xe chở rác

Đến nay, sau nhiều năm chật vật đấu tranh để được rời khỏi khu xử lý chất thải Nam Sơn, người dân Nam Sơn đã 5 lần tổ chức chặn xe vận chuyển rác, khiến nội thành Hà Nội ngập rác. Lần đầu tiên là ngày 26/6/2016, do không đồng tình với phương án phí bồi thường ô nhiễm môi trường cho các hộ dân sống gần bãi rác.

Sau một thời gian chờ đợi nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng, ngày 18/7/2017, hàng trăm người dân thộn Đông Hạ (xã Nam Sơn) đã mang túi đựng ruồi chết bẫy được tại nhà ra đặt giữa đường chặn không cho các xe vệ sinh môi trường chở rác vào bãi tập kết Nam Sơn. Nhưng kết quả vẫn chưa “vừa lòng dân.”

Gần một năm sau, ngày 6/7/2018, người dân Nam Sơn lại tiếp tục chặn bãi rác vì tiến độ di dời quá chậm. Vì thế người dân chặn xe để yêu cầu được gặp gỡ lãnh đạo thành phố Hà Nội. Đến quý I/2019, người dân Nam Sơn cho rằng chính quyền thất hứa, vì việc đền bù đất, di dời người dân khỏi vùng ô nhiễm đã hứa hoàn thành trong năm 2018 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết.

Trước sức ép chặn xe rác nói trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội một lần nữa yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn phải tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân từ quý II/2019.

Tuy nhiên, sau hai quý được cho là “thất hứa,” đến ngày 1/7/2019, người dân Nam Sơn lại tiếp tục chặn xe rác vì lý do đã hết quý II/2019, nhưng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân vẫn chưa được xem xét phê duyệt, giải quyết.

Sau nhiều lần chặn xe, người dân dần nhận ra một quy luật: Hễ bãi rác Nam Sơn bị phong tỏa, chỉ trong một thời gian ngắn rác thải ở nội thành sẽ ùn ứ, ô nhiễm nặng nề vì không có nơi xử lý. Thực tế, sau 5 ngày chặn xe, nhiều tuyến đường ở nội thành Hà Nội đã ngập ngụa rác thải. Nhiều nơi, rác tràn ra cả lòng đường như đường Nguyễn Xiển, Kim Giang, Lê Đức Thọ…

Dù vậy, với hàng trăm người dân sinh sống xung quanh bãi rác thải lớn nhất Thủ đô trong suốt 20 năm nay, việc chặn xe rác là cách hiệu quả nhất để thành phố phải trăn trở với nỗi khổ của những người dân từ năm này qua năm khác đang phải “sống chung” với ô nhiễm...

“Mặc dù, thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vùng ô nhiễm như gửi tiền trợ cấp theo đầu người, ưu đãi về dịch vụ y tế, miễn phí nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng tất cả vẫn không thấm vào đâu so với nỗi khổ sở mà chúng tôi phải chịu đựng,” ông Nguyễn Văn Thọ, người dân xã Nam Sơn cho biết, nguyện vọng của người dân bây giờ chỉ là được dời ra khỏi vùng bãi rác ô nhiễm.

“Tuy nhiên, để di dời được khỏi nơi đây, thì việc đầu tiên là mức giá đền bù phải thỏa đáng. Chứ với mức giá một số loại đất quá thấp, như 78.000 đồng/m2 đối với đất vườn thì chúng tôi có bán hết đất hiện tại cũng không mua nỏi miếng đất để xây ngôi nhà mà ở, chứ chưa nói là mất hết kế sinh nhai,” ông Thọ chia sẻ thêm.

Ông Thọ cũng cho biết, giá đất đền bù giai đoạn 2 (2013) đất thổ cư được đền bù là 866.000 đồng/1m2; đất vườn là 78.000 đồng/1m2 và được hỗ trợ thêm 70% giá đất ở. Sau nhiều lần thỏa thuận thì đến nay thành phố Hà Nội mới chấp thuận từ 600.000 lên 866.000 đồng/1m2 đối với đất thổ cư, và đất vườn là 78.000 đồng/1m2, tuy nhiên lại không được hỗ trợ 70% giá đất ở như ở giai đoạn 2. Mức giá này là quá thấp, không thể giúp cho bà con ổn định và sản xuất sau tái định cư.

Người dân Nam Sơn ‘ăn sương nằm đất’ chặn xe rác, ‘đòi’ được di dời ảnh 3Rác thải tràn lan ra đường ở khu Kim văn Kim lũ, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Xử lý dứt điểm vụ việc

Để tránh tình trạng các hộ dân tiếp tục tổ chức chặn xe vận chuyển rác, cũng như sớm hoàn thành công tác di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất, ngày 5/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra một loạt chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án.

[Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm tồn đọng tại khu xử lý chất thải Sóc Sơn]

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cũng cần tổ chức tuyên truyền, vận động, thông tin cụ thể đến các hộ dân về kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường, kế hoạch chi trả tiền trong thời gian tới để các hộ dân biết và chấp hành; không tiếp tục có các hành vị trái phép chặn xe vận chuyển rác.

Ngoài ra, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ thường xuyên phối hợp hướng dẫn Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn thực hiện đúng quy định, theo dõi và báo cáo kết quả kịp thời.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục