Nhà chọc trời - Biểu tượng sự giàu có ở Hong Kong

Khi đến Hong Kong, điều đầu tiên đập vào mắt du khách là những tòa nhà chọc trời cao sừng sững hiên ngang giữa bầu trời.
Nhà chọc trời - Biểu tượng sự giàu có ở Hong Kong ảnh 1Toàn cảnh Cảng Harbour với các tòa nhà chung cư, thương mại trong đó có Trung tâm Tài chính Quốc tế và Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Hong Kong. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khi đến Hong Kong, điều đầu tiên đập vào mắt du khách là những tòa nhà chọc trời cao sừng sững hiên ngang giữa bầu trời.

Chiều cao chóng mặt của những tòa nhà chọc trời ở Hong Kong chính là nơi tập trung thu hút sự giàu có và thịnh vượng ở đặc khu hành chính này của Trung Quốc.

Hong Kong được coi là “sân chơi” của các kiến trúc sư. Với địa hình núi dốc ra biển và cấu trúc hình vương miện của thành phố, cảng Victoria hiện lên với những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát nhau, giống như những cái cây trong một khu rừng. Đây là một bằng chứng về sự giàu có và quyền lực.

Nằm trong khu đất hẹp giữa những ngọn núi và biển, các tòa nhà cao chọc trời, lấp lánh với những ánh sáng đã sắc màu khi hoàng hôn buông xuống, được coi là biểu tượng cho sự thành công của Hong Kong, và đằng sau tất cả cấu trúc bằng kính và thép ấy là những người quyền lực nhất châu Á, những người đang ngày càng giàu lên tại Hong Kong .

Hiện nay, Hong Kong có hơn 650 tòa nhà với chiều cao ít nhất là 100 mét và 41 tòa cao hơn 200 mét.

Được mệnh danh là "Phố Wall dựng đứng” do số lượng đông đảo những văn phòng đại diện ngân hàng, tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế (ICC) trên vùng đất khai hoang phía Tây Cửu Long là khu vực cao nhất thành phố, với 118 tầng và cao hơn 490 mét so với mực nước biển. Đây là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Tòa tháp ICC và Trung tâm Tài chính Quốc tế 2 (IFC 2) cao 415 mét trên vịnh cảng Victoria - đều thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn bất động sản Tôn Hùng Cơ. Đây là hai tòa nhà chọc trời cao nhất trong thành phố.

IFC 2, nằm trong khu trung tâm thương mại ở trung tâm Hong Kong, được xây dựng vào năm 2003.

14 tầng trên cùng của tòa nhà này là trung tâm hoạt động của một trong những ngân hàng trung ương hùng mạnh nhất châu Á, Cục Quản lý Tài chính Hong Kong (HKMA).

IFC 2 cũng là nơi đóng đại bản doanh của công ty bất động sản khổng lồ Henderson Land Development, thuộc sở hữu của Lee Shau-kee, người đàn ông giàu thứ ba tại Hong Kong và đứng ở vị trí 29 trong danh sách các tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.

Những “ông lớn” thuê văn phòng nổi bật khác ở IFC 2 bao gồm các ngân hàng Pháp Paribas BNP, công ty dịch vụ tài chính Standard Chartered của Anh, Tập đoàn MTR và tập đoàn đa quốc gia Nomura của Nhật Bản.

Những tòa nhà chọc trời này đã đem lại các khoản thu khổng lồ cho ngành thuế và đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế của Hong Kong.

Tuy nhiên, những đóng góp lớn này không phải lúc nào cũng được người dân Hong Kong chào đón.

Có nhiều lời phàn nàn về việc các tòa nhà chọc trời, với lý do chúng gây cản trở tầm nhìn cũng như sự lưu thông của không khí và gây nên những điểm nóng cục bộ.

Khi chính quyền Hong Kong bắt đầu xem xét các kế hoạch phác thảo quy hoạch của các khu vực khác nhau trong năm 2007, thì những hạn chế mới về chiều cao trong xây dựng đã nhằm vào việc tạo các bước để bảo vệ cảnh quan của những ngọn núi, đường chân trời và cảnh biển.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi đã quá muộn. Ngay cả khi áp dụng giới hạn tầm cao mới, các nhà phát triển vẫn có thể gây hại tới cảnh quan đô thị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục