​Nhật Bản công bố hình ảnh con cá voi vây đầu tiên bị đánh bắt sau gần 50 năm

Chính phủ Nhật Bản cho phép các công ty đánh bắt tối đa 376 con trong năm nay, trong đó có 59 cá voi vây trong tổng số ước tính 19.299 con trong vùng đặc quyền kinh tế cũng như vùng biển của nước này.

Mô hình cá voi vây tại Bảo tàng Khoa học Quốc gia Nhật Bản. (Nguồn: thestandard.com.hk)
Mô hình cá voi vây tại Bảo tàng Khoa học Quốc gia Nhật Bản. (Nguồn: thestandard.com.hk)

Công ty săn bắt cá voi Kyodo Senpaku (Nhật Bản) vừa công bố những hình ảnh về con cá voi vây đầu tiên bị đội tàu của công ty này đánh bắt vì mục đích thương mại trong gần 50 năm qua.

Người phát ngôn của công ty Kyodo Senpaku, ông Masuo Ide, cho biết ngày 1/8 vừa qua, một tàu nhỏ trong đội tàu công ty đã đánh bắt một con cá voi đực dài 19,6 mét và nặng ít nhất 55 tấn.

Đây là con cá voi vây đầu tiên mà Nhật Bản đánh bắt vì mục đích thương mại kể từ năm 1976. Kể từ ngày 1/8 đến nay, nước này đã đánh bắt được tổng cộng 5 con cá voi vây.

Trước đó, Nhật Bản - một trong 3 nước đánh bắt cá voi vây thương mại cùng với Na Uy và Iceland, đã bổ sung loài sinh vật biển này vào danh sách đánh bắt cùng với cá voi minke, cá voi Bryde và cá voi sei. Quyết định này khiến các nhà bảo tồn lo ngại.

Cá voi vây là động vật lớn thứ hai trên Trái Đất, chỉ xếp sau cá voi xanh. Cá voi vây nằm trong danh mục loài nguy cấp của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trước năm 2018, sau đó được chuyển thành "loài dễ bị tổn thương".

Nhật Bản đánh bắt cá voi trong nhiều thế kỷ và thịt cá voi là nguồn cung cấp protein chính trong nhiều năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Nước này tiếp tục đánh bắt vì mục đích khoa học sau khi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) đưa ra lệnh cấm săn bắt cá voi thương mại. Tuy nhiên, năm 2019, Nhật Bản đã rút khỏi IWC và nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Chính phủ Nhật Bản cho phép các công ty đánh bắt tối đa 376 con trong năm nay, trong đó có 59 cá voi vây trong tổng số ước tính 19.299 con trong vùng đặc quyền kinh tế, cũng như vùng biển của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục