Những điểm mới của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19

Hướng dẫn đã đưa nguyên tắc sử dụng các thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, ức chế IL-6. Đây sẽ là cẩm nang để các cán bộ y tế chăm sóc, điều trị và quản lý người bệnh COVID-19.
Những điểm mới của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ảnh 1Các y bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 7/10, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ 7 cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc qua 700 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố/quận/huyện/thị xã.

Đây là bản Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được cập nhật lần thứ 7 của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

[Những 'đòn đánh' quyết định giúp Việt Nam kiểm soát dịch COVID-19]

Hướng dẫn đã đưa nguyên tắc sử dụng các thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, ức chế IL-6.

Theo đó, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: Việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Ngoài những thuốc có trong hướng dẫn và trong quyết định 2626/QĐ-BYT: Đối với người có bệnh nền, bệnh mạn tính: Tiếp tục điều trị phối hợp với điều trị COVID-19 bằng các thuốc trong danh mục sẵn có của cơ sở thu dung điều trị; Sử dụng thuốc sẵn có trong danh mục của cơ sở để điều trị triệu chứng, xử trí cấp cứu người bệnh (nếu có).

Về công tác quản lý điều trị, hướng dẫn mới có các điểm cập nhật mới như sau:

1. Đối với COVID-19 tổn thương gây ra không chỉ là hô hấp mà trên đa cơ quan do đó hướng dẫn điều trị lần này đã lồng ghép các chuyên khoa, điều trị toàn diện từ hô hấp, tuần hoàn, lọc máu, ECMO, cocticoid, kiểm soát đường huyết, điều trị nguyên nhân, phục hồi chức năng, tâm lý, dinh dưỡng.

2. Định hướng điều trị theo phân tầng người bệnh.

Trên cơ sở của hướng dẫn, theo thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Y tế, cơ sở thu dung điều trị trích tóm tắt các nội dung phù hợp theo phân tầng để áp dụng cho cơ sở mình một cách phù hợp và linh hoạt.

3. Một số hướng dẫn tổ chức triển khai: Hướng dẫn cấp cứu trước viện đối với đội cấp cứu lưu động khi tiếp nhận người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch chăm sóc người bệnh COVID-19 theo mức độ bệnh.

4. Tách hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 đối với trẻ em thành hướng dẫn riêng.

Hướng dẫn chẩn đoán điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ 7 cũng tổng hợp các hướng dẫn về chăm sóc, dinh dưỡng, phục hồi chức năng… nên có độ dài nhất từ trước đến nay là 137 trang. Do đó, Hướng dẫn được làm dưới dạng sách điện tử với các chỉ mục để thuận tiện cho việc tra cứu và sử dụng. Người dùng truy cập menu bên trái để vào xem các nội dung cần xem và bấm trực tiếp vào các bảng, hình, phụ lục được đánh dấu để chuyển đến nội dung cần truy cập.

Bộ Y tế hy vọng Hướng dẫn sẽ là cẩm nang để các cán bộ y tế chăm sóc, điều trị và quản lý người bệnh COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục