Trong khi hầu hết doanh nghiệp “lao đao” vì dịch COVID-19 vẫn có những doanh nghiệp lãi cao nhờ sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp “ngược dòng” vượt khó nhờ vào thực lực để chiếm lĩnh thêm thị phần.
Lãi lớn dù COVID-19
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như khẩu trang, chăn nuôi, thực phẩm... là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống có kết quả kinh doanh rất khả quan từ đầu năm đến nay.
Hưởng lợi trực tiếp từ dịch COVID-19, một số doanh nghiệp sản xuất khẩu trang “ăn nên làm ra.” Đơn cử như trường hợp Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) là doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.
Chỉ riêng quý 2 vừa qua, doanh thu thuần của DNM đạt 239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 17,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 380% và 569% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp ngành thực phẩm, chăn nuôi đang hái “quả ngọt” trong mùa dịch bệnh.
Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC), kết quả sản xuất kinh doanh chỉ riêng hai tháng Bảy và Tám vừa qua của đơn vị tích cực với doanh thu đạt 2.370 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 261 tỷ đồng, bằng 75% lợi nhuận sau thuế quý 1 năm nay và 35% lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020.
Lũy kế 8 tháng năm 2020, DBC đạt doanh thu 8.678 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.093 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.011 tỷ đồng. Như vậy, sau 8 tháng, doanh nghiệp đã vượt 120% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo DBC, do đã dự báo trước được diễn biến phức tạp của dịch bệnh cả trên người và vật nuôi, Hội đồng quản trị, Ban điều hành Tập đoàn đã chỉ đạo sát sao, trực tiếp và quyết liệt, kiểm soát hiệu quả các nguy cơ thông qua hệ thống các quy trình, quy định và kiểm tra, giám sát. Kết quả hoạt động 2 tháng Bảy và Tám vừa qua cho thấy, toàn bộ hệ thống vận hành hiệu quả bất chấp khó khăn từ dịch bệnh.
[Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp lần thứ 2]
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã chứng khoán: TAC) cũng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, nên ngay khi bùng phát COVID-19, doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất.
Lũy kế 7 tháng qua, doanh thu thuần của TAC đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2019; lợi nhuận gộp 7 tháng hơn 370 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tiếp đến là câu chuyện thành công đến từ việc linh hoạt trong kinh doanh, thực hiện cắt giảm các chi phí để đạt được lợi nhuận cao của Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF).
Theo KDF, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy doanh số như chuyển dịch kênh phân phối, linh động mang sản phẩm về gần với người tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh doanh số từ các kênh hiện đại như minimart, siêu thị.
Công ty cũng có sự chuyển dịch chi phí tương ứng từ kênh KA (Kênh trọng điểm) sang các kênh khác có hiệu quả cao hơn; đầu tư thêm dây chuyền kem đùn, bổ sung tủ mới, chú trọng phát triển dòng sản phẩm cốt lõi là những sản phẩm cao cấp có lợi nhuận cao. Đặc biệt, công ty chủ động thực thi các biện pháp rà soát, kiểm soát và cắt giảm các chi phí không hiệu quả.
Nhờ đó, dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu tháng Bảy năm nay của KDF đạt 158 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 7 tháng năm nay đạt 832 tỷ đồng, giảm nhẹ 11% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở kênh KA.
Nhưng lợi nhuận trước thuế của KDF đã đạt 44 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ và đạt được 94% mục tiêu cả năm chỉ sau 7 tháng.
Mở rộng thị phần
Lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may, chăn nuôi và thực phẩm tăng mạnh là do hưởng lợi, hoặc ít bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID19. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị phần, đạt kết quả kinh doanh rất tích cực ngay cả khi kết quả chung của ngành gặp khó khăn.
Đơn cử, dù ngành thép có kết quả kinh doanh suy giảm do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vẫn mở rộng được sản xuất, tăng thị phần.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam là quốc gia ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Dù vậy, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 7 tháng năm nay đã ghi nhận mức tăng trưởng âm lần lượt là 6,9% và 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, 6 tháng đầu năm nay, thị phần của Hòa Phát trong mảng thép xây dựng vẫn tăng tới 31% so với cùng kỳ, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái thị phần mảng thép xây dựng chỉ tăng được 25% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng thị phần 6 tháng đầu năm nay chủ yếu nhờ đóng góp của khu liên hợp Dung Quất.
Bên cạnh đó, theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong khi hầu hết các công ty sản xuất khác đều có sản lượng tiêu thụ giảm khoảng từ 10-20%, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát tăng 12% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm nay.
Biên lợi nhuận ròng của các công ty sản xuất thép khác giảm dưới 2% do công suất trong nước gia tăng và nhu cầu chậm lại. Điều này giúp Hòa Phát giành thị phần nhờ lợi thế đáng kể của công ty về chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Lượng thép xuất khẩu 8 tháng của Hòa Phát đã vượt 17% so với cả năm ngoái với trên 310.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với 8 tháng ngoái. Các thị trường xuất khẩu chính của đơn vị gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Australia, Canada, Thái Lan, Campuchia và Lào.
Trong các thị trường xuất khẩu, Malaysia có sự tăng trưởng tốt nhất. Tổng lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giao đến tháng 11 tới ở thị trường này là trên 50.000 tấn, tăng 6,3 lần. Ngoài ra, thép Hòa Phát đã khai thác được thêm một số thị trường mới như Kenya, Ghana (châu Phi), Trung Quốc (bao gồm cả thị trường Đài Loan).
Cụ thể mới đây, Công ty Trạc nhiệm hữu hạn Thép Hòa Phát Hưng Yên vừa ký một số hợp đồng xuất khẩu thép cuộn chất lượng cao mác SAE cho rút dây sang thị trường châu Phi, đánh dấu thành công trong việc mở thêm thị trường xuất khẩu mới.
Thông qua các công ty thương mại đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sỹ, Dubai, Thép Hòa Phát bắt đầu xuất sản phẩm sang lục địa châu Phi đầy tiềm năng.
Dự kiến trong tháng Chín này và tháng 10 tới, các lô hàng đầu tiên sẽ được vận chuyển tới Kenya và Ghana với tổng khối lượng gần 30.000 tấn; trong đó, thị trường Kenya là hơn 17.000 tấn, còn lại là sang Ghana. Toàn bộ số hàng xuất sang châu Phi được sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất gang Thép Hòa Phát Hải Dương.
Cũng có kết quả kinh doanh “ngược dòng,” doanh nghiệp đầu ngành sữa là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam-Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 vừa qua với doanh thu nội địa và xuất khẩu trong quý tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, quý 2 vừa qua, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 15.495 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh nội địa ghi nhận doanh thu thuần 13.364 tỷ đồng, tăng 8% và chiếm tỷ trọng 86% trong tổng doanh thu.
Đối với hoạt động xuất khẩu, Vinamilk vẫn xuất khẩu sữa đi Trung Đông (hợp đồng 20 triệu USD), xuất khẩu sữa đặc sang Trung Quốc, xuất sữa hạt và trà sữa vào thị trường Hàn Quốc… trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Các hoạt động này đã đóng góp 1.370 tỷ đồng doanh thu trong quý 2 và tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 9% tổng doanh thu. Kết quả trong quý 2 vừa qua, Vinamilk lãi sau thuế 3.085 tỷ đồng, tăng 6% so với quý 2 năm ngoái.
Theo Nielsen, nhu cầu các sản phẩm sữa trong nước giảm 4% về giá trị và 3,4% về tăng trưởng doanh số bán lẻ trong 6 tháng đầu năm nay.
Dù vậy, theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Vinamilk và Mộc Châu Milk (Vinamilk gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk) lần lượt đạt tăng trưởng doanh thu nội địa 2,5% và 9,7% trong nửa đầu năm, con số này vượt trội so với ngành và các công ty cùng ngành.
Với kết quả kinh doanh của Vinamilk và Mộc Châu Milk, các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, Vinamilk đã giành thêm thị phần trong thời kỳ đại dịch.
Đẩy cũng là 2 trong số nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng lợi thế ngành hàng và biết "nương" theo dịch COVID-19 để "ăn nên làm ra," giữ ổn định việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực cho nền kinh tế./.