Những động thái quân sự mới của Mỹ tại 'sân sau' Mỹ Latinh

Dư luận đang xôn xao về một nhóm đặc nhiệm Mỹ với tên gọi “Nhóm hỗ trợ lực lượng an ninh” (SFAB) sẽ tới Colombia để “giúp đỡ cuộc chiến chống buôn lậu ma túy."
Những động thái quân sự mới của Mỹ tại 'sân sau' Mỹ Latinh ảnh 1Đặc nhiệm Mỹ. (Nguồn: sofrep.com)

Mạng tin alainet.org bình luận vào những ngày đầu tháng Sáu này, ngoài câu chuyện đại dịch COVID-19, dư luận Colombia và Mỹ Latinh còn xôn xao với thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Bogota và Bộ Quốc phòng Colombia rằng một nhóm đặc nhiệm Mỹ với tên gọi “Nhóm hỗ trợ lực lượng an ninh” (SFAB) sẽ tới Colombia để “giúp đỡ cuộc chiến chống buôn lậu ma túy."

Mặc dù những người phát ngôn chính thức khẳng định rằng nhóm đặc nhiệm này “chỉ gồm 50 cố vấn kỹ thuật,” song một số nhà phân tích thạo tin - như León Valencia - tố cáo rằng con số này trên thực tế là 800 quân nhân, những người sẽ bổ sung vào số quân đồn trú tại 7 căn cứ quân sự của Mỹ nằm rải rác trên lãnh thổ Colombia.

Bên cạnh đó, bất chấp việc các phát ngôn chính thức đều nhấn mạnh tới mục tiêu “chống buôn lậu ma túy,” ai cũng hiểu rằng lực lượng này có nhiệm vụ củng cố âm mưu lật đổ Nhà nước theo tư tưởng Bolivar tại Venezuela.

[Mỹ cử đơn vị đặc nhiệm tới Colombia để hỗ trợ chống buôn lậu ma túy]

Đây là bước đi mới nhất trong vô số những bước leo thang đe dọa mà Mỹ và chính phủ tay sai tại Colombia đã tiến hành nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, và diễn ra sau thất bại của âm mưu đột kích từ bờ biển Venezuela bằng lính đánh thuê và lực lượng khủng bố ngày 3/5 vừa qua.

Chỉ riêng trong tháng Năm, có thể kể ra cả loạt hành động đe dọa, phá hoại Venezuela do Washington giật dây như: phá hoại đường dây truyền tải điện nhằm vào hệ thống cung cấp nước; đe dọa đánh bom tại hải phận quốc tế nhằm vào 5 tầu chở xăng từ Iran sang Venezuela - mặc dù sau đó cả 5 tầu này đã cập cảng an toàn...

Xét trên bình diện khu vực, đây là bước triển khai thực tế kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự từng được Washington công bố, nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa can thiệp và bóp nghẹt các chế độ tiến bộ còn lại tại Mỹ Latinh như Venezuela và Cuba, sau khi đã thành công với cuộc đảo chính tại Bolivia vào tháng 10/2019.

Trong chiến lược này, ngoài đồng minh thân cận nhất tại khu vực là Colombia, Brazil đóng một vai trò then chốt như sự kéo dài của “hòa bình kiểu Mỹ” hay “Pax Americana” dưới sự cầm quyền của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro, qua thỏa thuận lịch sử tích hợp nền công nghiệp quốc phòng của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ vào chương trình nghiên cứu và tài trợ của Lầu Năm Góc và biến Brazil thành “đồng minh lớn ngoài NATO” của Mỹ.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân lực của Hạ viện Mỹ ngày 11/3 vừa qua, Đô đốc Craig Faller, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phương Nam của Mỹ (Southcom), tuyên bố “sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Tây Bán cầu vào cuối năm nay.”

Mặc dù phiên điều trần đó diễn ra trước khi chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp cách ly vì COVID-19, nhưng có thể kế hoạch này sẽ không bị trì hoãn vì dịch bệnh như những hoạt động quân sự khác, điển hình là các biện pháp thù địch nhắm vào Venezuela vừa qua.

Về ý thức hệ, chiến lược này của Mỹ đã quay về với luận điệu hiếu chiến thời Chiến tranh Lạnh, như đã được đề ra trong phiên bản “Chiến lược Quốc phòng” mới nhất - văn bản xuất bản năm 2018 sau đúng 1 thập kỷ và đánh dấu bước chuyển từ “cuộc chiến chống khủng bố” sang chiến lược đấu tranh kiềm chế Trung Quốc và Nga, hay như lời tổng kết của cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis rằng “cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố, giờ đây sẽ là mục tiêu chính của an ninh quốc gia Mỹ."

Những phát biểu của Đô đốc Faller trong phiên điều trần đã phản ánh tư duy và cấu trúc mới này, khi vị tư lệnh của Southcom sử dụng các thuật ngữ như “những kẻ xấu” khi nói về những kẻ thù giả định của Mỹ và mô tả Trung Quốc, Nga, Iran, Cuba và Venezuela như “những nhân tố nhà nước xấu xa tạo nên một vòng tròn đe dọa thường trực,” đồng thời ông cũng đề cập tới châu Mỹ như “bán cầu của chúng ta,” nơi mà Washington cần “duy trì thế cân bằng quyền lực có lợi cho nước Mỹ” bao gồm cả khả năng va chạm với các nền văn minh khác như Trung Quốc và Nga, mà “không chia sẻ những giá trị của chúng ta.”

Ông Faller ca ngợi các chính phủ hữu khuynh tại Brazil, Ecuador và Bolivia vì đã “thừa nhận mối đe dọa của Cuba đối với sự tự do và trục xuất hàng nghìn quan chức (trên thực tế là nhân viên y tế) Cuba,” trong khi gọi chính quyền Nicaragua là “độc đoán” và nhấn mạnh “các tác nhân xấu xa, gồm Maduro và đồng bọn tại Venezuela, là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với hòa bình và an ninh tại Tây Bán cầu.”

Dựa trên lập trường đó, Đô đốc Faller tiết lộ Mỹ có những “bệ phóng” thường xuyên để tung các nhóm biệt kích, lính thủy đánh bộ, hải quân, không quân, cảnh vệ bờ biển và cả Cảnh vệ quốc gia vào Mỹ Latinh - nơi ông khẳng định “không có khu vực nào khác trên thế giới mà sự thịnh vượng và an ninh của chúng ta lại phụ thuộc nhiều như vậy” cũng như cam kết tiến hành những hoạt động quan trọng để hỗ trợ trực tiếp cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc và Nga.

Trên thực tế, đó không hề là lời nói suông, khi trước phiên điều trần 3 ngày, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã là vị nguyên thủ đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ này thăm Southcom.

Nhưng quan trọng hơn, trong khuôn khổ chuyến thăm đó, hai bên đã ký kết thỏa thuận, theo đó Bộ Quốc phòng Brazil tham gia Chương trình Nghiên cứu, Phát triển, Thử nghiệm và Đánh giá (RDT & E) - từng được đàm phán từ năm 2017 ngay khi tổng thống tạm quyền Michel Temer lên cầm quyền sau khi Nghị viện Brazil phế truất cựu tổng thống Dilma Rousseff.

Thỏa thuận này là “chưa từng có tiền lệ, và nếu được khai thác triệt để, có thể giúp (Brazil) mở cửa thị trường quốc phòng lớn nhất thế giới cho ngành công nghiệp quốc gia,” như lời nhận định của tờ Folha de Sao Paulo (Brazil); nhưng đồng thời cũng “làm Brazil thay đổi vị thế quốc tế và rời cấu trúc khu vực Nam Mỹ” để tích hợp vào hệ thống đế quốc của Mỹ và là “bước ngoặt trong lịch sử quan hệ giữa Brazil và cả Mỹ Latinh với Mỹ, như đánh giá của tờ Clarín (Argentina).

Rõ ràng, Mỹ không dễ dàng chấp nhận giảm bớt ảnh hưởng tại khu vực mà họ vốn coi là “sân sau” của mình, và vẫn luôn sẵn sàng sử dụng cả “củ cà rốt” lẫn “cây gậy” nếu cần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục