Chỉ mới hoạt động từ tháng 7/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và tháng 12/2014 tại Hà Nội nhưng Công ty Uber đã không ít lần “gây sóng” đối với thị trường vận tải hành khách bằng taxi truyền thống cũng như đối với một số cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải.
Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Giao thông Vận tải về công tác quản lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có sử dụng phần mềm Uber, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc gia tăng lượng người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho các ứng dụng gọi taxi bằng điện thoại thông minh phát triển ở nhiều thành phố lớn trong cả nước.
Việc kinh doanh taxi theo cách truyền thống đang đối diện với thực tế “đổi mới hay là chết” để thay đổi công nghệ theo hướng tiếp cận văn minh hơn với người sử dụng dịch vụ.
Trong thời gian qua, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đã kiểm tra, xử phạt 69 vụ việc hoạt động vận tải khách có kết nối, sử dụng phần mềm Uber với số tiền phạt lên đến 324 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm như không có đăng ký kinh doanh (39 vụ việc); không gắn phù hiệu (20 vụ việc); xe không có hợp đồng vận chuyển; không gắn thiết bị giám sát hành trình, không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe ôtô chở hành khách.
Qua các đợt kiểm tra, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, giá cước của các xe sử dụng phần mềm Uber hiện nay rẻ hơn giá cước vận tải taxi của các doanh nghiện vận tải taxi được cấp giấy phép. Nguyên nhân là do xe sử dụng phần mềm Uber không phải trang bị đồng hồ tính cước, hệ thống tổng đài, các chủ phương tiện không đóng thuế…
Cũng theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Uber đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 411043002601 ngày 30/8/2014; trong đó Uber đăng ký 2 ngành, nghề là dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ nghiên cứu thị trường.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư này, Uber không có chức năng tham gia kinh doanh, quản lý, điều hành vận tải hành khách đường bộ. Nhưng thực tế hoạt động của Uber là tham gia trực tiếp điều hành vận tải hành khách theo một quy trình khép kín như hoạt động của các hãng taxi truyền thống.
Cụ thể, quy trình điều hành của Uber như sau, thông qua ứng dụng phần mềm của mình, Uber tiếp nhận yêu cầu của khách, cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và khách, điều xe và thông tin cho khách biết số xe, tên lái xe, thời gian chờ xe đến. Cuối cùng, Uber thu tiền cước khi kết thúc hành trình thông qua thẻ thanh toán quốc tế.
Với quy trình nêu, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Uber tham gia hoạt động điều hành trực tiếp vận tải hành khách, trong khi Uber không có chức năng này. Mặt khác, qua công tác kiểm tra, xử lý đối với 54 xe vi phạm, đã có 47 xe không có chức năng kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật.
Từ đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các bộ ngành có liên quan để làm rõ việc Uber tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành vận tải hành khách bằng xe ôtô để có biện pháp xử lý thích đáng. Bởi lẽ Uber hiện đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh không đúng với nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
“Phản pháo” quan điểm nêu trên của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Công ty Uber đã gửi công văn đến nhiều cơ quan trung ương.
Trong thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Michael Brown, Tổng Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương - Công ty Uber cho rằng, Uber phát triển công nghệ, các đối tác kinh doanh vận tải Việt Nam sở hữu phương tiện và thuê tài xế chứ không thay thế cho taxi mà chỉ mang đến lựa chọn mới cho hành khách khi di chuyển.
Các đối tác của Uber đã nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền để xin phê chuẩn việc kinh doanh vận tải. Trong thời gian chờ được phê chuẩn đó, Uber kiến nghị Chính phủ Việt Nam để các đối tác của Uber hoạt động dịch vụ thuê xe trên nền tảng Uber.
“Uber luôn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để được cung cấp dịch vụ của mình trong một khuôn khổ pháp lý phù hợp. Uber luôn hoan nghênh việc thanh tra của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong năm 2015, Uber sẽ tạo thêm 1.000 công việc mới tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất của Uber trên toàn cầu,” ông Michael Brown nêu quan điểm.
Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, ông Jordan Condo - Giám đốc chính sách Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Công ty Uber cũng tái khẳng định, Uber sẵn sàng hợp tác với các cuộc kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải; bản thân Uber còn nhắc nhở các đối tác của mình về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định pháp luật.
Uber khẳng định, thông qua các cuộc kiểm tra nội bộ, Uber nhận thấy 100% các đối tác của Uber có giấy phép kinh doanh phù hợp. Đối với yêu cầu về hộp đen GPS, bình chữa cháy, kiểm tra lý lịch lái xe và phù hiệu “Xe hợp đồng,” Uber đang làm việc chặt chẽ với các đối tác, sẽ đạt được sự tuân thủ đầy đủ vào ngày 7/3/2015.
Hoanh nghênh cuộc thanh tra của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/1 vừa qua, ông Jordan Condo cũng cho rằng, các cuộc thanh tra nói trên đã diễn ra một cách không thiện chí, khiến các đối tác của Uber cảm thấy mệt mỏi và chán nản.
Do nhiều đối tác của Uber đang xin cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nên Uber kiến nghị lực lượng thanh tra giao thông cân nhắc không xử phạt các đối tác của mình trong thời gian xin cấp phù hiệu./.