Những sai lầm của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang suy giảm khi quan hệ thương mại giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á với Trung Quốc đang ngày càng phát triển.
Những sai lầm của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC, ngày 13/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng The Hill đã có bài viết đánh giá về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ với nội dung cụ thể như sau:

Chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang suy giảm khi quan hệ thương mại giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á với Trung Quốc đang ngày càng phát triển, bất chấp những cảnh báo của nước này nhằm ngăn cản sự phụ thuộc của các quốc gia vào Trung Quốc.

Dữ liệu gần đây cho thấy thương mại của Trung Quốc với tất cả 10 quốc gia ASEAN đã tăng 71% trong năm 2022 và tăng 49% với Ấn Độ.

Trong khi đó, bất chấp các lệnh trừng phạt và thuế quan, thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên 657 tỷ USD vào năm 2021, tăng 28% so với năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022.

Trung Quốc “lợi hại” hơn?

Các nỗ lực gắn thương mại và đầu tư toàn cầu với các mục tiêu địa chính trị hơn là các vấn đề thị trường thường gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp chính sách của Mỹ với châu Á, các nhà hoạch định đã không đánh giá đúng mức độ hấp dẫn về địa lý và kinh tế của Trung Quốc.

Địa lý (thời gian và khoảng cách) là một yếu tố quan trọng trong thương mại, đặc biệt là giữa các cường quốc lớn như Trung Quốc và 14 quốc gia nhỏ hơn có chung đường biên giới.

Tương tự như vậy, không phải ngẫu nhiên mà thương mại của Mỹ với Canada và Mexico chiếm 41% trong tổng giá trị 4.600 tỷ USD thương mại toàn cầu của quốc gia này vào năm 2021.

[Chính quyền Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và hiệp định tiếp nối là Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), đã ra đời để điều chỉnh thị trường đang bùng nổ, đồng thời định hướng cho thương mại và đầu tư, chứ không phải theo chiều ngược lại.

Khi các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và thiết lập lại chuỗi cung ứng, Mexico và Canada ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quy trình sản xuất cận biên, tạo thành "chuỗi cung ứng bạn bè."

Chuỗi cung ứng phức tạp với hàng trăm thành phần, thường qua lại xuyên biên giới, không dễ dàng thiết lập lại. Ngoài ra, do Trung Quốc là nhà cung cấp chính của một số nguyên liệu và linh kiện, nên ngay cả các "chuỗi cung ứng bạn bè" cũng có thể cần một số linh kiện từ Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng đưa các quốc gia ASEAN vào “chuỗi cung ứng bạn bè” của Mỹ. Nhưng khi Mỹ và các nước khác muốn chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á có thể kháng cự, cũng như việc các doanh nghiệp Mỹ nằm ngoài các thỏa thuận thương mại khu vực.

Ngoài việc thiết lập "chuỗi cung ứng bạn bè," một xu hướng khác đã được quan sát thấy đó là vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine, nơi các biện pháp trừng phạt thương mại, tài chính và công nghệ đã đưa Nga ra khỏi hệ thống kinh tế quốc tế là một ví dụ điển hình cho thấy các biện pháp trừng phạt là vũ khí được Mỹ lựa chọn.

Có thể nói, việc gây sức ép về kinh tế là một mặt của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang ngày càng phát triển - yếu tố đang tái điều chỉnh các mô hình thương mại và đầu tư.

Nỗ lực hội nhập kinh tế là chưa đủ

Những xu hướng này không báo hiệu sự kết thúc của toàn cầu hóa. Bất chấp chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục phát triển. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại trong năm 2023 sẽ ở mức 3%.

Những sai lầm của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 2Quang cảnh cảng container Long Beach, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù vậy, toàn cầu hóa đang giảm dần đối với các dòng vốn, trong khi các mô hình thương mại và đầu tư cũng thay đổi đáng kể theo hướng ít toàn cầu hơn và tập trung hơn vào các mạng lưới khu vực.

Trong bối cảnh đó, những mâu thuẫn trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Biden đã trở nên rõ ràng hơn. Sự kết hợp của xung đột thương mại lưỡng đảng, chính sách cận biên và “mua hàng Mỹ” trong bối cảnh châu Á đang hội nhập kinh tế sâu rộng hơn đang làm giảm vai trò trung tâm kinh tế của Mỹ tại châu lục này.

Minh chứng đầu tiên cho điều này là sự xuất hiện của các thỏa thuận thương mại khu vực đang ngày càng phát triển, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm tất cả các đồng minh của Mỹ và Trung Quốc. RCEP giúp giảm thuế quan và hợp thức hóa các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại, giúp giao dịch với Trung Quốc dễ dàng hơn chứ không phải với Mỹ, quốc gia không có trong thỏa thuận.

Minh chứng thứ hai là hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao hơn, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy thương mại giữa 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, mà Mỹ đã rút lui.

Chiến lược An ninh Quốc gia do Nhà Trắng công bố vào tháng 10 năm ngoái đã khẳng định rằng: “Nhận thấy rằng cần phải vượt ra khỏi các Hiệp định Thương mại Tự do truyền thống, chúng tôi đang vạch ra các thỏa thuận kinh tế mới để tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác của mình, như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF).”

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đối tác thương mại nào của Mỹ từ bỏ các thỏa thuận thương mại truyền thống. Theo WTO, có 355 hiệp định thương mại khu vực và nhiều hiệp định khác đang chờ xử lý.

Chính quyền Mỹ đã phát minh ra IPEF để lấp lỗ hổng kinh tế trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình. Khuôn khổ này nhằm thực hiện một số điều hữu ích, chẳng hạn như tạo thuận lợi về thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật số, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.

Tuy nhiên, IPEF lại bỏ qua một trong những sự quan tâm lớn nhất của châu Á, đó là khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.

Có thể nói, Mỹ vẫn là nhà cung cấp an ninh quan trọng của khu vực. Hầu hết các quốc gia châu Á đều không thoải mái về sự bành chướng của Trung Quốc, giống như Mỹ, nhưng họ biết rằng Trung Quốc đã ở đó 4.000 năm và Mỹ có thể không chứng minh được sự đáng tin cậy.

Trong mọi trường hợp, nhiều người châu Á không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một số người đã đề xuất Mỹ đàm phán lại và tham gia CPTPP để giải quyết những hậu quả đáng sợ có thể xảy đến. Chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đang thiếu đi những nỗ lực hội nhập kinh tế sâu rộng hơn vào khu vực, và đây là một “lỗ hổng” có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục