Là tuyến đầu tiếp nhận bệnh nhân, hiện nay nhiều trạm y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như Trạm y tế của các xã Hồi Ninh và Kim Mỹ, huyện Kim Sơn.
Việc các trạm xuống cấp, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, phòng làm việc thiếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Xuống cấp nghiêm trọng
Trạm Y tế xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được xây dựng từ năm 1984. Sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục của Trạm đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều mảng tường bong tróc, ố mốc, rêu xanh, phòng làm việc thiếu thốn dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
['Sợi dây' gắn kết để y tế cơ sở cung ứng dịch vụ có chất lượng]
Bác sỹ Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Y tế cho biết Kim Mỹ là xã đông dân thứ nhì của huyện, hiện trạm y tế xã tiếp đón hơn 300 lượt người dân/ngày đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng đã lâu nên các phòng đều xuống cấp, tường và mái nhà đều bị bong tróc vôi vữa, thậm chí có trường hợp người dân đưa con em đến tiêm phòng tại Trạm bị mảng vữa rơi vào người.
Đặc biệt, phòng sản xuống cấp trầm trọng nhất, tường bị ố mốc, cửa mất bản lề không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn. Vì vậy, số sản phụ đến sinh tại Trạm giảm, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay không có sản phụ nào tới sinh tại trạm y tế xã.
Theo bác sỹ Hòa, trước tình trạng xuống cấp của trạm y tế xã, đội ngũ y, bác sỹ tại trạm và nhân dân mong muốn được quan tâm đầu tư, xây dựng để Trạm có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trạm Y tế xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn) cũng trong tình cảnh tương tự như vậy. Dãy nhà cấp 4 của Trạm Y tế xã Hồi Ninh đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều mảng tường nứt vỡ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Do không đảm bảo an toàn nên người dân ít khi đến thăm khám tại Trạm, tỷ lệ khám chữa bệnh hằng năm không đạt kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, Trạm Y tế xã Hồi Ninh khám, chữa bệnh cho khoảng 2.700 lượt người/năm, nhưng trung bình mỗi năm trạm chỉ đón tiếp, khám, chữa bệnh cho khoảng hơn 2.000 lượt người.
Bác sỹ Trần Quốc Trị - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồi Ninh cho biết Trạm được xây dựng khoảng 40 năm trước với 10 phòng chức năng. Do không được tu sửa thường xuyên nên đến nay Trạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Phần trần nhà đã bị bong tróc lộ cả lõi sắt bên trong, các mảng tường cũng bị bong tróc, nứt.
"Cơ sở vật chất thiếu thốn không chỉ gây khó khăn đến công tác khám, chữa bệnh, mà còn có nguy cơ mất an toàn cho đội ngũ y, bác sỹ và người dân. Chúng tôi đề nghị Ủy ban Nhân dân xã Hồi Ninh có biện pháp sớm sửa chữa, xây dựng để Trạm thực hiện tốt công tác chuyên môn, góp phần tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên," bác sỹ Trị phân trần.
Kêu gọi các nguồn hỗ trợ xã hội hóa
Ông Vũ Văn Tưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồi Ninh cho biết trong lộ trình hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã đã lên phương án xây dựng và sửa chữa trạm y tế xã với diện tích 2.000 m2, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 10 tỷ đồng, bao gồm đầy đủ nhà làm việc, phòng chức năng, nhà ăn, khuôn viên. Nguồn vốn này gồm nguồn đấu giá quyền sử dụng đất tại xã và một phần hỗ trợ của cấp trên.
Tuy nhiên, đến nay Ủy ban Nhân dân xã chưa thực hiện được đấu giá. Đối với nguồn hỗ trợ cấp trên, Ủy ban Nhân dân xã mong muốn các cơ quan chức năng sớm triển khai hỗ trợ kịp thời để địa phương sửa chữa, xây dựng trạm y tế xã, góp phần phục vụ công tác khám chữa bệnh. Dự kiến, trong năm 2021, Ủy ban Nhân dân xã Hồi Ninh sẽ hoàn thành sửa chữa, xây dựng Trạm Y tế xã Hồi Ninh.
Hiện tỉnh Ninh Bình có 141 xã, phường, thị trấn được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Đến nay, địa phương chỉ còn 2 trạm y tế xã Hồi Ninh và xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, chưa được công nhận do cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Ông Hoàng Huy Phương - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, cho biết việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm y tế xã phụ thuộc vào Ủy ban Nhân dân các xã. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã tranh thủ các nguồn kinh phí, hỗ trợ từ các dự án, chương trình y tế của Trung ương để xây dựng các trạm y tế xã.
Điển hình như trong năm 2019, ngành y tế của tỉnh đã kêu gọi, tranh thủ được nguồn hỗ trợ của một số chương trình, dự án xây mới 3 trạm y tế xã trên địa bàn.
Thời gian tới, cùng với việc quan tâm đầu tư về trang thiết bị tại các trạm y tế xã để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình tiếp tục kêu gọi các nguồn hỗ trợ xã hội hóa nhằm đầu tư, xây dựng, góp phần cùng Ủy ban Nhân dân các xã tại địa phương xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện tuyến y tế cơ sở đồng thời đáp ứng đủ điều kiện về chuẩn y tế theo lộ trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Hiện nay, Việt Nam có gần 11.000 trạm y tế xã và ngành y tế xác định đây là tấm lá chắn đầu tiên (người gác cổng) của toàn bộ hệ thống y tế.
Trên thực tế, trạm y tế xã là điểm cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu: Khám chữa bệnh thông thường, dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, quản lý các bệnh không lây nhiễm… dựa trên nguyên lý y học gia đình.
Đó là việc chăm sóc phối hợp, chăm sóc toàn diện, chăm sóc liên tục, hướng cộng đồng, hướng gia đình và hướng dự phòng…
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế xác định ngành y tế địa phương cần nhận thức rõ việc đầu tư nâng cấp hệ thống y tế cơ sở toàn diện để đáp ứng mục tiêu cuối cùng là người dân được chăm sóc sức khỏe tối ưu: Cải thiện thực trạng sức khỏe, cải thiện sự hài lòng và giảm thiểu rủi ro tài chính./.