Ninh Thuận phát triển chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin mạng

Năm 2022, Ninh Thuận sẽ dành hơn 68 tỷ đồng triển khai 32 nhiệm vụ, dự án mới và 4 nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Ninh Thuận phát triển chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin mạng ảnh 1Một góc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Nguồn: ninhthuantourist.com)

Tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, năm 2022, Ninh Thuận sẽ triển khai 32 nhiệm vụ, dự án mới và 4 nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin mạng, với tổng kinh phí dự kiến hơn 68 tỷ đồng.

Cụ thể, Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp để đạt các mục tiêu chính như tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng sở, ban, ngành, địa phương đạt từ 60% trở lên, tích hợp tối thiểu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; có tối thiểu 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ của cơ quan nhà nước.

Về phát triển chính quyền số, Ninh Thuận phấn đấu 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 70% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số.

[Chuyển đổi số: Mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp]

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong ngành giáo dục; phát triển hệ thống giao thông thông minh; mở rộng các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng, tỉnh tiếp tục nâng cấp và duy trì đảm bảo an toàn thông tin mô hình 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tỉnh duy trì Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); có tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ; 30% số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.

Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm pát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về triển khai chính quyền số với các dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng hoạt động của chính quyền.

Tỉnh tập trung phát triển các mô hình kết hợp giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công thông qua mạng bưu chính công ích, mạng xã hội, ứng dụng của doanh nghiệp gắn với việc thực hiện cải cách hành chính. Ninh Thuận tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nhằm triển khai các dịch vụ chính quyền số thuận lợi.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường nghiên cứu, hợp tác với doanh nghiệp, dự án hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin của Chính phủ, bộ, ngành trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để làm chủ, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới cho chính quyền số, trước hết là công nghệ điện toán đám mây, bảo mật, an toàn thông tin.

Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao, các đơn vị công nghệ thông tin phối hợp thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền điện tử, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh đã kết nối hệ thống và tổ chức hội nghị truyền hình trực tiếp liên thông 4 cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã; thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng (SOC) và Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) với 11 hệ thống thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử; triển khai lắp đặt hệ thống tổng đài 1022 phục vụ việc tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp của người dân.

Ninh Thuận vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công. Đến nay, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 1.867 dịch vụ công mức độ 3,4; trong đó mức độ 4 có 1.710 thủ tục; tích hợp 879 thủ tục hành chính mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ITC) của Ninh Thuận những năm qua luôn ở thứ hạng cao của cả nước (năm 2020 xếp hạng 10/63 tỉnh, thành). Ninh Thuận đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục