Pfizer bàn giao vắcxin cho 8 quốc gia EU muộn hơn kế hoạch

Chi nhánh của Pfizer tại Tây Ban Nha đã thông báo về việc giao muộn các lô vắcxin tới 8 quốc gia do "vấn đề phát sinh trong công tác chất hàng và vận chuyển" tại nhà máy của hãng ở Bỉ.
Pfizer bàn giao vắcxin cho 8 quốc gia EU muộn hơn kế hoạch ảnh 1Một nhân viên y tế được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Lodz, Ba Lan. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Ngày 28/12, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thay đổi lịch bàn giao các lô vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà hãng này phối hợp với đối tác BioNTech (Đức) phát triển, theo đó 8 nước châu Âu sẽ nhận được vắcxin muộn hơn kế hoạch.

Diễn biến này xảy ra một ngày sau khi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng loại vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Tuyên bố của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết chi nhánh của Pfizer tại Tây Ban Nha trong tối 27/12 đã thông báo cho Madrid về việc giao muộn các lô vắcxin tới 8 quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, do "vấn đề phát sinh trong công tác chất hàng và vận chuyển" tại nhà máy của hãng ở Bỉ. Tuy nhiên, đơn vị này không công bố 7 nước còn lại bị ảnh hưởng.

[Các nước EU đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19]

Cũng theo tuyên bố, Pfizer khẳng định với Bộ Y tế Tây Ban Nha rằng vấn đề trên "đã được giải quyết" song lần giao vắcxin tiếp theo "sẽ chậm trễ vài giờ." Theo đó, những lô hàng vắcxin sẽ "cập bến" Tây Ban Nha trong ngày 29/12, muộn hơn 1 ngày so với dự kiến.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết việc giao hàng chậm trễ là do vấn đề "liên quan đến việc kiểm soát nhiệt độ" của các lô hàng" và vấn đề này "dường như đã được khắc phục."

Cho đến nay, vắcxin của Pfizer/BioNTech là loại duy nhất được EU phê duyệt, với một hợp đồng mua 200 triệu liều và quyền lựa chọn mua bổ sung 100 triệu liều. Tuy nhiên, vắcxin này phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, khoảng -70 độ C, trước khi được vận chuyển đến các trung tâm phân phối trong các hộp làm mát chuyên dụng chứa đầy đá khô.

Khi được vận chuyển khỏi kho bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, vắcxin này phải được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C để duy trì hiệu quả trong tối đa 5 ngày.

Tây Ban Nha dự kiến nhận 350.000 liều vắcxin của Pfizer/BioNTech mỗi tuần trong 3 tháng tới.

Với tổng dân số 450 triệu người, EU đang cố gắng theo kịp Anh và Mỹ trong việc thực hiện tiêm chủng ngừa COVID-19 đại trà cho người dân.

Dự kiến, EU sẽ tiếp nhận 12,5 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay, đủ cho 6,25 triệu người được tiêm 2 liều để đảm bảo ngừa bệnh.

Pfizer cho hay sẽ đáp ứng nhu cầu vắcxin trên toàn cầu và đặt mục tiêu sản xuất 1,3 tỷ liều vào năm 2021.

Ngoài Pfizer, EU đã ký hợp đồng mua tổng cộng hơn 2 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 với loạt hãng dược phẩm khác như Moderna và AstraZeneca, đồng thời có kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành vào năm 2021.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Anh Michael Gove cho rằng việc nước này phê duyệt vắcxin phòng COVID-19 do đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phối hợp phát triển có thể đẩy nhanh kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19.

Trao đổi với báo giới, ông Gove cho biết cơ quan quản lý độc lập phải đánh giá vắcxin trên, nhưng nếu chế phẩm này được chấp thuận sẽ làm gia tăng "đáng kể" các vắcxin có sẵn trên thị trường.

Ông Gove nêu rõ: "Nếu chúng ta có được giấy phép cho vắcxin (của Oxford), và triển khai theo kế hoạch, chúng ta sẽ có thể từng bước dỡ bỏ một số hạn chế, vốn đã khiến cuộc sống trở nên quá khó khăn với rất nhiều người."

Cũng trong phát biểu của mình, ông Gove cho biết Anh có kế hoạch cho phép trường học mở cửa trở lại để đón học sinh trung học sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, tuy nhiên phải cân nhắc điều này trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 với tốc lộ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng gốc.

Theo quan chức này, kế hoạch hiện tại là các học sinh đang ôn thi Chứng chỉ Giáo dục trung học (GCSE) và A-Level năm nay và con em của những nhân viên đảm nhận các vị trí quan trọng sẽ trở lại trường học vào tuần tới, trong khi các học sinh trung học khác đến trường vào tuần sau đó.

Tuy nhiên, ông Gove cho biết kế hoạch này có thể thay đổi và giới chức vẫn đang xem xét, cũng như trao đổi với các hiệu trưởng và giáo viên trong 24-48 giờ tới để đưa ra kế hoạch dứt khoát.

Hiện số ca tử vong do COVID-19 tại Anh đã vượt mốc 70.000 người - cao thứ hai tại châu Âu, sau Italy.

Hàng triệu người ở Anh đang phải thực hiện những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới được áp đặt nhằm khống chế dịch COVID-19.

Ở nhiều vùng của Vương quốc Anh, bao gồm cả thủ đô London, người dân được khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà và không gặp gỡ những người khác do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục