Pháp: Việt Nam kết nối thành công ASEAN với Hội đồng Bảo an

Đại sứ Estival-Broadhurst nhấn mạnh Việt Nam đã làm rất tốt trách nhiệm của mình, nhất là trong tháng đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an hồi tháng 1/2020.
Pháp: Việt Nam kết nối thành công ASEAN với Hội đồng Bảo an ảnh 1Đại sứ Nathalie Estival-Broadhurst. (Nguồn: onu.delegfrance.org)

“Việt Nam đã rất thành công trong việc kết nối ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,” đây là lời khẳng định của Đại sứ Nathalie Estival-Broadhurst, Phó Trưởng phái đoàn thường trực Pháp tại Liên hợp quốc, khi đánh giá về các hoạt động của Việt Nam trên cương vị nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm qua.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại sứ Estival-Broadhurst nhấn mạnh Việt Nam đã làm rất tốt trách nhiệm của mình, nhất là trong tháng đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an hồi tháng 1/2020.

Khi đó, Việt Nam đã rất thành công, tổ chức được một phiên thảo luận mở rất thú vị về Hiến chương của Liên hợp quốc, đồng thời làm nổi bật được vai trò của các tổ chức khu vực như ASEAN tại Hội đồng Bảo an.

Bà Estival-Broadhurst nêu rõ: "Việt Nam là một đối tác mạnh tại Hội đồng Bảo an, đồng thời cũng là một đối tác truyền thống của Pháp trong khối Pháp ngữ Francophonie. Hai nước đã hợp tác rất hiệu quả. Việt Nam cũng là Chủ tịch Ủy ban Trừng phạt Nam Sudan tại Hội đồng Bảo an và đây là một ủy ban lớn, có vai trò quan trọng và tôi nghĩ Việt nam đã đảm nhiệm rất tốt."

Đại sứ Estival-Broadhurst thừa nhận 2020 là năm rất nhiều thách thức đối với Hội đồng Bảo an, đặc biệt là nhóm các nước ủy viên thường trực (gọi tắt là P5) do có quá nhiều vấn đề cần giải quyết trong chương trình nghị sự đòi hỏi Hội đồng Bảo an phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên.

Tuy nhiên, bà Estival-Broadhurst cho rằng Hội đồng Bảo an cũng đã đạt được tiến triển trong một số vấn đề như lệnh ngừng bắn dài hạn ở Libya, một số kết quả khả quan trong quá trình giải quyết vấn đề Yemen và Afghanistan...

Cũng theo Đại sứ Estival-Broadhurst, khi một số cuộc khủng hoảng xảy ra ở châu Phi và Trung Đông, Hội đồng Bảo an, đặc biệt là nhóm P5, đã rất chủ động đối phó để ổn định tình hình, kịp thời gia hạn những phái bộ hỗ trợ và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các vùng xung đột và phối hợp hiệu quả với các cơ quan khác của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, bà Estival-Broadhurst thừa nhận còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết như Syria, nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên hay đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 lại ảnh hưởng tới mọi hoạt động của Hội đồng Bảo an, tới từng người dân trên thế giới và đặc biệt ảnh hưởng tới những khu vực đang có xung đột.

Chính vì vậy, Pháp và Tunisia đã đồng bảo trợ để nghị quyết 2532 được thông qua hồi tháng 7 năm nay nhằm ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Khi được hỏi về nỗ lực của các nước P5, trong đó có Pháp, trong năm qua để thu hẹp bất đồng, bà Đại sứ khẳng định Hội đồng Bảo an là cơ chế đa phương liên chính phủ nên có rất nhiều khác biệt, không chỉ trong nhóm P5 mà trong từng thành viên của Hội đồng Bảo an, kể cả E10 (các nước ủy viên không thường trực).

Trong khi đó, để ra được nghị quyết về một vấn đề, Hội đồng Bảo an cần phải có sự nhất trí, đồng thuận. Quan chức ngoại giao Pháp khẳng định các nước ủy viên Hội đồng Bảo an luôn nỗ lực tháo gỡ những bất đồng, tìm kiếm sự thỏa hiệp cho từng vấn đề và đây là cách để đạt được sự nhất trí chung.

Bà nhấn mạnh nghị quyết 2532 về lệnh ngừng bắn toàn cầu cho thấy một nỗ lực to lớn của các nước P5 và E10 và đây là một thành công của Hội đồng Bảo an.

Đại sứ Estival-Broadhurst khẳng định đối mặt với thách thức luôn là trách nhiệm tập thể của Hội đồng Bảo an và mỗi thành viên đều đã nỗ lực trên tinh thần thiện chí để đạt được sự đồng thuận. Điều này là tối cần thiết trong bối cảnh Hội đồng Bảo an sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2021 sắp tới.

Đại sứ Estival-Broadhurst dự báo đại dịch COVID-19 và lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu sẽ là những vấn đề còn tiếp tục ở trên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an vào năm tới, bên cạnh những vấn đề như giải trừ vũ khí và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngoài ra Hội đồng Bảo an cũng sẽ có 5 ủy viên không thường trực mới tham gia đảm trách sứ mệnh tại đây vào năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục