Ngày 9/4, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo với chủ đề "Đăng ký bảo hộ, quảng bá và khai thác giá trị nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan."
Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, đứng thứ hai sau tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích chè toàn tỉnh hơn 20.700ha, năng suất bình quân đạt trên 109 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 192.000 tấn. Nghề trồng và chế biến chè đã đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội cho tỉnh và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của người nông dân. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp, 23 hợp tác xã và 85 làng nghề sản xuất, chế biến chè.
Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70-80%, chỉ có khoảng 20-30% sản lượng chè chế biến được xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu chè Thái Nguyên chủ yếu là các nước Trung Đông, một số nước châu Á, vùng lãnh thổ và Đông Âu, điển hình là Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc...
Để thương hiệu chè Thái Nguyên vươn tới các thị trường ngoài nước, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan - thị trường trọng tâm của chiến lược xuất khẩu chè Thái Nguyên trong những năm tiếp theo.
Để giúp cho ngành chè Thái Nguyên xây dựng được thương hiệu tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm mang nhãn hiệu thập thể chè Thái Nguyên sang các thị trường này; xây dựng đề án Quảng bá chè Thái Nguyên sang thị trường đã được bảo hộ nhãn hiệu trình Bộ Công Thương đưa vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu chè vào các thị trường này; tập trung phát triển chè theo hướng an toàn; thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu chè sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan sử dụng đúng nhãn hiệu như đã đăng ký…
Các đại biểu dự hội thảo cũng đánh giá việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan sẽ góp phần khẳng định hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam và được độc quyền khai thác sản phẩm mang thương hiệu của chính mình tại thị trường nước ngoài. Điều này cũng hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên tại các thị trường này./.